Bế mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

0
0

 - Chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 26, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trọng tâm của phiên họp lần này là để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 07 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết: gồm 02 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 6 tới là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); và 05 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 là dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với hai dự thảo nghị quyết có liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu là dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

 

Tính đến hết phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với tất cả 19/19 dự án luật và dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” và xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án của năm 2023. Đây là các báo cáo sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước. Trong đó báo cáo công tác năm 2023 của Kiểm toán nhà nước sẽ gửi cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét để thảo luận trong quá trình thảo luận về kinh tế - xã hội; đối với kế hoạch kiểm toán năm 2024 sẽ tuân thủ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, hiện nay nội dung này chưa được dự kiến trong chương trình và nội dung của Kỳ họp thứ 6. Căn cứ vào kết quả thảo luận, kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội nếu đảm bảo yêu cầu và sự cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết 91/2023/QH15.

Bên cạnh đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với 2 nội dung rất quan trọng khác là việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội khẳng định thành công của phiên họp thường kỳ tháng 9 này là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6 này rất lớn, nhiều hơn Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ còn phiên họp thường kỳ tháng 10 (phiên họp thứ 27) để cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 6.

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi được Trung ương xem xét, có kết luận.

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ để có báo cáo thẩm tra sơ bộ đối với nội dung này.

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là nội dung rất quan trọng có liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phân bổ sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW và thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 và việc bố trí vốn cho các nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để tiến hành thẩm tra theo thẩm quyền. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực sẽ trực tiếp làm việc với các Ủy ban để nghe báo cáo về nội dung này.

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa con người Việt Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồ sơ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc các cơ quan hữu quan kịp gửi hồ sơ, tài liệu để cho ý kiến vào phiên họp tháng 10. Cùng với đó là Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đây cũng là nội dung cần phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nhấn mạnh, những nội dung còn lại của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và phiên họp thường kỳ tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tập trung giải quyết là rất nhiều, trong khi đó khung thời gian còn lại ít, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều phối giữa các Ủy ban và sớm dự kiến những chương trình và đôn đốc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Mất gần 1 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID “giả mạo”

(VnMedia) - Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã mạo danh cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi điện hướng dẫn người dân Cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID “giả mạo”. Nhiều người do chủ quan đã sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền lớn khi cài đặt phần mềm giả mạo này.

VNPT miễn phí trải nghiệm bộ mở rộng vùng phủ Wifi Mesh

(VnMedia) - Từ ngày 1/7/2024, khách hàng sử dụng Internet VNPT sẽ được miễn phí trải nghiệm những dòng thiết bị mở rộng vùng phủ Wifi Mesh mới nhất của nhà mạng.

Các giải pháp ứng phó với tình trạng giá cả hàng hóa “nhảy múa” theo lương

(VnMedia) - Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh chính sách cải cách tiền lương đã có hiệu lực từ 1/7.

Tắt sóng 2G: Thuê bao VinaPhone sẽ không bị bỏ lại phía sau

(VnMedia) - Nhằm giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi sử dụng và dễ dàng trải nghiệm các tiện ích số, VinaPhone dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Bộ Y tế nỗ lực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06

(VnMedia) - Nhận thức rõ Đề án 06 góp phần quan trọng, tạo bước phát triển đột phá đối với chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đã tích cực tham gia, triển khai các hoạt động của Đề án gắn chặt chẽ với chuyển đổi số y tế, nỗ lực triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử...