Những ngày qua tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, chưa xác định rõ nguồn lây.
2 trẻ mắc bạch hầu là G.T.N.Q. (2 tuổi) và G.V.D. (11 tuổi). Cả 2 bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ không rõ ràng, trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh, 2 bệnh nhân không rời khỏi địa phương, không rõ nguồn lây của ca bệnh.
Bệnh nhân G.T.N.Q. có tiền sử tiêm chủng đã được tiêm 3 mũi vaccine SII (Vaccine DPT-VGB-Hib): mũi 1: 23/11/2021; Mũi 2: 23/3/2022; Mũi 3: 23/4/2022.
Bệnh nhân G.V.D. không rõ đã được tiêm vaccine có thành phần bạch hầu.
Sức khỏe của 2 bệnh nhân hiện tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, tim nhịp đều...
Bệnh nhân thứ 3 là L.V.T (22 tuổi) phát bệnh vào ngày 23/8/2023. Bệnh nhân T. chưa tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay sức khỏe đã ổn định.
Xác minh của nhân viên y tế cho thấy, người dân trong bản Pa Ít có đi lại, tiếp xúc với người dân tại bản Huổi Ít và Pa Son 2 thuộc xã Huổi Mí.
CDC Điện Biên phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai hoạt động phòng chống dịch bạch hầu tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà. Ảnh: SKĐS |
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Điện Biên, hàng năm có khoảng 10% trẻ tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí không tiêm vaccine có thành phần bạch hầu. "Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu tại địa phương có thể xảy ra trong thời gian tới", đại diện CDC Điện Biên cảnh báo.
Hiện nay, các đoàn công tác của CDC Điện Biên tiếp tục đến bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà để phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu như: Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần, có biểu hiện ho, sốt; hướng dẫn, giám sát việc cấp phát, sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng đối với những trường hợp tiếp xúc gần tại bản.
Thực hiện điều tra dịch tễ tại bản Huổi Ít, Pa Son 2 thuộc xã Huổi Mí kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, từng tiếp xúc với 3 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu kể trên.
CDC Điện Biên đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cử cán bộ xuống giám sát tại các xã lân cận, giáp ranh với xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.
Đại diện của CDC Điện Biên đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc tiếp nhận và sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để kịp thời điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hỗ trợ chuyên môn cho tỉnh Điện Biên trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi mắc bệnh bạch hầu cho tỉnh Điện Biên.
Đồng thời, cấp bổ sung vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib tiêm cho trẻ dưới 01 tuổi và vaccine DPT tiêm mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi.
Hỗ trợ vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) tiêm bổ sung cho trẻ từ 07 - 20 tuổi tại xã Huổi Mí và các xã lân cận có tỷ lệ tiêm thấp.
Trước đó, từ ngày 30/4-21/5/2023, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Theo Sức khỏe đời sống
https://suckhoedoisong.vn/3-nguoi-mac-bach-hau-chua-ro-nguon-lay-dien-bien-gap-rut-phong-chong-169230908222615945.htm