- Trung Quốc tuần trước đã tung ra một số lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ ý kiến nào cho rằng hành động chỉ trích hiếm hoi nói trên chứng tỏ Bắc Kinh thay đổi lập trường về Nga đều là sai lầm.
Vụ Trung Quốc chỉ trích Nga diễn ra vào cuối tuần trước và sự cố này liên quan đến công dân Trung Quốc – bao gồm cả một blogger video nổi tiếng – những người đã bị từ chối nhập cảnh từ Kazakhstan vào Nga tại một trạm kiểm soát biên giới. Đoạn video được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc vào cuối tuần qua cho thấy các quan chức biên giới Nga đang kiểm tra vali, trong đó một du khách nói rằng anh ta cảm thấy mình bị đối xử như một tội phạm.
“Các hoạt động thực thi pháp luật quá mức và thô bạo của Nga trong vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow đã chỉ trích gay gắt như vậy trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat.
Tuy nhiên, bất chấp những ngôn từ chỉ trích gay gắt hiếm có nói trên của phía Trung Quốc, điều này hầu như không báo hiệu bất kỳ một sự thay đổi lớn nào trong lập trường của Bắc Kinh đối với Moscow. Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã không lên án Nga bất chấp sức ép từ phương Tây. Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng, cuộc chiến hiện tại ở Ukraine có phần lỗi từ phía NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai (7/8) đã lên tiếng tái khẳng định Nga-Trung là hai “đối tác tốt” của nhau trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Tuyên bố này không đề cập đến sự cố xảy ra ở biên giới. Ông Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có lập trường “độc lập” trong vấn đề liên quan đến Ukraine.
Theo ông Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, sự cố biên giới cho thế giới thấy rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có nhiều tầng lớp và sắc thái hơn so với nhiều người ở phương Tây hiểu.
“Trung Quốc cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Điều đó không có nghĩa là họ ủng hộ mọi thứ mà Nga làm”, ông Henry Wang Huiyao nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình - người tuyên bố tình bạn “không có giới hạn” giữa Nga với Trung Quốc ngay trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, đã tìm cách miêu tả Trung Quốc như một nước trung gian hòa giải với lập trường trung lập đối với Ukraine. Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch chi tiết gồm 12 điểm với mục đích đem lại hòa bình cho Ukraine, bao gồm các lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và chấm dứt mọi hành động thù địch. Mặc dù kế hoạch hòa bình của Trung Quốc bị Mỹ và các đồng minh bác bỏ, nhưng nó đã tạo được uy tín cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cái gọi là Phương Nam Toàn cầu và giành được cho Trung Quốc một ghế tại các cuộc đàm phán về Ukraine do Ả-rập Xê-út đứng ra tổ chức vào cuối tuần qua.
Trung Quốc đã cử một phái đoàn do nhà ngoại giao kỳ cựu Li Hui dẫn đầu đến Jeddah, Ả-rập Xê-út để tham gia cùng hơn 40 quốc gia bao gồm Mỹ và các quốc gia châu Âu - nhưng không có Nga. Mặc dù các cuộc thảo luận mang lại rất ít các bước cụ thể để chấm dứt chiến tranh nhưng chúng đã cho thấy thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Bắc Kinh do mối quan hệ của nước này với Nga.