- Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản được chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 9 theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.
Chiều 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo luật bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, gồm: Cơ quan, tổ chức thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật; Cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
Tổ chức, cá nhân bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý tài sản bảo đảm là nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh.
Về khái niệm "kinh doanh bất động sản", dự thảo Luật được chỉnh sửa khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật theo hướng: làm rõ về các loại hình kinh doanh bất động sản; bổ sung nội dung về thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản; giữ nguyên cụm từ nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận để phù hợp với khái niệm kinh doanh quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 9 theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp khách hàng chấp nhận rủi ro cao hơn để đánh đổi những lợi ích khác như: giá mua, thuê mua thấp hơn, bảo đảm về quyền sở hữu khi bất động sản hình thành…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh sửa bổ sung khoản 3 Điều 26, theo đó “Khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng được lựa chọn việc có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình.
Trong trường hợp khách hàng lựa chọn không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình thì các bên không phải thực hiện quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này đối với khách hàng đã ký hợp đồng. Việc khách hàng từ chối việc tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình được thỏa thuận bằng văn bản tại thời điểm ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”.