Thủ tướng: Phát triển Kon Tum nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa

0
0

 - Làm việc với tỉnh Kon Tum, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển Kon Tum nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động, bất ngờ...

Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum

Phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Kon Tum. Cụ thể: Quy mô kinh tế còn hạn chế, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng (quy mô kinh tế xếp vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố và 5/5 khu vực Tây Nguyên); tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm. Huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư chưa nhiều. Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính tuy được cải thiện nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình của cả nước.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đất, rừng còn nhiều vấn đề cần nỗ lực hơn. Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý nhưng việc sản xuất, chế biến chưa mạnh mẽ, còn manh mún, nhỏ lẻ.  Ngành du lịch chưa phát huy hết tiềm năng, hạ tầng du lịch còn yếu; chưa thu hút được nhiều khách quốc tế, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp….

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phát triển Kon Tum nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động bất ngờ; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về kinh tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Đánh giá cao tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, phương châm hành động của tỉnh, Thủ tướng đề nghị quán triệt một số quan điểm chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, bằng khung trời, mảnh đất, cửa khẩu, bàn tay, khối óc của mình; không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Là địa phương có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa các dân tộc, tỉnh phải hết sức chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, luôn cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao trùm, Thủ tướng yêu cầu trước hết tỉnh cần rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu vượt các mục tiêu đã đề ra.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ pháp lý liên quan tới đất đai, rừng, tài sản, vốn góp của nhân dân để giải phóng nguồn lực, tập trung cho phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn vốn ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch và năng lượng.

Thứ tư, thúc đẩy việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối), đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp  pháp, chính đáng của người dân, để người dân gắn bó, hưởng lợi, thoát nghèo, làm giàu từ đất, từ rừng.

Phát triển du lịch theo hướng hiện đại

Phân tích thêm một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới.

 

Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến...

Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất. Gắn không gian phát triển kinh tế của tỉnh với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là sâm Ngọc Linh). 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo. Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia.

Phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...). Phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính – ngân sách nhà nước. Tăng cường các giải pháp quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu bảo đảm bền vững; triệt để tiết kiệm chi.

Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá địa phương. Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.

Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng hệ thống trường dân tộc nội trú.

Đẩy mạnh thực chất, hiệu quả cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống, các di tích lịch sử, văn hoá. Theo sát tình hình, chuẩn bị kỹ, chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa thiên tai. Rà soát, đánh giá và có giải pháp phòng tránh sạt lở.

Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đông người, kéo dài. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tại cuộc làm việc, sau khi lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các đề xuất, kiến nghị của Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể trên tinh thần cơ bản đồng tình; các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền, hoàn thành trong quý III/2023, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

P.Mai


Ý kiến bạn đọc


Đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc tại Tháng khuyến mại tập trung

(VnMedia) - Thanh toán thẻ không tiếp xúc đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi vượt trội, an toàn bảo mật cao và tốc độ giao dịch nhanh chóng.

Chặt đứt đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền giao dịch 10 tỷ đồng

(VnMedia) - Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố triệt xóa đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền giao dịch khoảng 10 tỷ đồng.

6 giải pháp giúp phục hồi nhanh sau sự cố tấn công mạng

(VnMedia) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp 6 giải pháp trọng tâm để tăng cường hiệu quả đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố tấn công mạng.

Giá vàng thế giới tăng, vàng nhẫn tròn trơn vượt mốc 76 triệu đồng/lượng

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (2/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều đi lên. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức trên 76 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tây Ninh ký kết thỏa thuận hợp tác Chuyển đổi số giai đoạn 2024 -2030

(VnMedia) - Mới đây, tại Hà Nội, Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tây Ninh đã  ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2030 về Chuyển đổi số.