- Điều 1 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô bao gồm cả Vùng Thủ đô (gồm 9 tỉnh là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc)…
Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị, tại Chương I bổ sung thêm 02 điều, trong đó một điều quy định về nguyên tắc trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô và một điều quy định về các quy định cấm trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô.
Theo lý giải của Liên đoàn Luật sư, bên cạnh những quy định mềm, linh hoạt để tạo điều kiện cho việc điều hành trong xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô thì cần phải có những quy định cứng để để đảm bảo có thể bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử đã tồn tại hàng nghìn năm của Thủ đô (ví dụ: cấm xây công trình cao quá… (bao nhiêu) trong khu vực nội đô lịch sử; cấm xây mới khu công nghiệp trong khu đô thị trung tâm v.v.).
Giải trình cho đề xuất này, Ban soạn thảo đề nghị giữ như Dự thảo Luật và cho biết, Chương này cơ bản kế thừa các quy định của Luật Thủ đô 2012.
“Chương này chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc chung. Đối với từng nội dung cụ thể sẽ được quy định tại các chương sau, trong đó có những quy định đột phá, đặc thù cho Hà Nội, đồng thời cũng đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn (trong lĩnh vực văn hóa, môi trường) để xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn minh - Văn hiến - Hiện đại”.” – Bộ Tư pháp giải thích.
Cũng theo Liên đoàn Luật sư, Điều 1 Dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô có đưa việc “liên kết, phát triển Vùng Thủ đô” vào phạm vi điều chỉnh của Luật với phạm vi Vùng Thủ đô (bao gồm 9 tỉnh là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.)
“Xuất phát từ tên gọi của Luật thì Luật này nhằm đưa ra các chính sách, cơ chế đặc thù để xây dựng, phát triển Thủ đô. Vì vậy, chỉ nên điều chỉnh các vấn đề trực tiếp về Thủ đô, không nên điều chỉnh về Vùng Thủ đô. Việc liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các tỉnh liền kề chỉ nên quy định thành nguyên tắc trong một điều trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội. Với đề xuất bỏ quy định về Vùng Thủ đô như nêu trên, đề nghị bỏ Chương V của Dự thảo Luật.”- Liên đoàn Luật sư nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng, việc đưa ra các quy định điều chỉnh về Vùng Thủ đô là cần thiết để bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa, nâng lên từ các quy định phù hợp tại Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.
Cũng trong phần góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên đoàn Luật sư cho rằng, Điều 6 có tên gọi là “Trách nhiệm của Thủ đô” là không phù hợp với nội dung quy định tại các khoản của Điều này (1. Xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. 2. Bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô…).
Theo Liên đoàn Luật sư, “Thủ đô” không thể là chủ thể để thực hiện các hoạt động quy định tại Điều 6 mà phải là “Chính quyền Thủ đô” thì mới có thể là chủ thể thực hiện các hoạt động đó. Vì vậy, đề nghị sửa tên gọi của Điều 6 thành “Trách nhiệm của chính quyền Thủ đô”.
Nêu quan điểm của Ban Soạn thảo, Bộ Tư pháp đề nghị giữ như dự thảo Luật bởi khi dùng khái niệm “Thủ đô” là để vinh danh, mang tính biểu tượng, không phải là một địa danh, vì vậy, dùng từ “chính quyền Thủ đô” sẽ không phù hợp.