- Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ - Phó Đô đốc Karl Thomas hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cho biết “hành vi hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines, phải bị thách thức và kiểm soát.
Phó Đô đốc Karl Thomas đảm bảo với Philippines về sự ủng hộ của Mỹ khi đồng minh đối mặt với "những thách thức chung" trong khu vực, nói rằng "lực lượng của tôi có mặt ở đây là có lý do."
Là hạm đội lớn nhất được triển khai tiên phong của Hải quân Mỹ, Hạm đội số 7, có trụ sở chính tại Nhật Bản, vận hành tới 70 tàu, có khoảng 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ.
Hạm đội 7 hoạt động trên diện tích 124 triệu km2 (48 triệu dặm vuông) từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
“Tôi muốn nói rằng, các bạn phải thách thức những người đang hoạt động trong vùng xám. Khi họ ngày càng tiến xa hơn một chút và đẩy bạn, bạn phải đẩy lùi họ, bạn phải ra khơi và hoạt động”, Phó Đô đốc Thomas đã nói như vậy với hãng tin Reuters.
Ông Thomas nói thêm rằng: “Thực sự không có ví dụ nào rõ hơn về hành vi hung hăng như hoạt động xảy ra vào ngày 5/8 trên bãi cạn này”.
Vào ngày 5/8, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng chống lại một tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho quân đội trên tàu chiến Manila cố tình neo đậu trên một bãi cạn ở Biển Đông.
Phó Đô đốc Thomas cho biết ông đã thảo luận với Phó Đô đốc Alberto Carlos - người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây Philippines giám sát Biển Đông, "để hiểu những thách thức của ông ấy là gì để tìm cơ hội có thể giúp đỡ ông ấy".
Ông Thomas, người đang ghé cảng tại Manila, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đã chia sẻ những thách thức. Vì vậy, tôi muốn hiểu rõ hơn cách ông ấy nhìn nhận các hoạt động mà ông ấy đang phải chịu trách nhiệm giải quyết. Và tôi muốn đảm bảo rằng ông ấy hiểu những gì tôi có sẵn để hỗ trợ ông ấy”.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi cho biết ông đã lên chuyến bay từ Manila “để đi ra ngoài và khám phá Biển Đông”.
Philippines đã giành được chiến thắng trong vụ kiện Biển Đông, theo đó phán quyết của trọng tài quốc tế năm 2016 đã phản đối lại Trung Quốc. Tòa trọng tài quốc tế cho rằng yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông.