Nhiều quan tâm về chính sách cho nhà giáo

0
0

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…

Chia sẻ những khó khăn của đội ngũ giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên tỉnh Tiền Giang cho hay: Mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề khó khăn đội ngũ luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, để nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn nhưng với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Duyên mong rằng, trong thời gian sớm nhất, Bộ GDĐT sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm công tác trong giáo dục mầm non tại tỉnh Hậu Giang, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên chia sẻ: Trong thời gian qua, có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến lương, phụ cấp cho nghề giáo với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các ngành nghề, thu nhập của giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trong khi đó, lao động giáo viên mầm non mang nhiều tính chất đặc thù như thời gian lao động kéo dài, trung bình ngày làm việc từ 10-12 giờ. Công việc giáo viên mầm non là vừa nuôi, vừa dạy trẻ, chú ý, chăm sóc quan tâm từng trẻ, áp lực nặng nề. Do đó, những chính sách, ưu đãi về nghề giáo nói chung, giáo viên mầm non nói riêng cần sớm được thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp tác động trực tiếp tránh được tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc như hiện nay.

 

Đề cập đến vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong các trường học cô giáo Trần Thị Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối tượng nhân viên làm trong ngành giáo dục tuy ít, nhưng mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong nhà trường, nếu thiếu vị trí nào thì hoạt động đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn. Thực trạng hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống.

Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã quan tâm bằng các chính sách trong thời gian qua nhưng đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.

Bộ GDĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay. 

Về chế độ của nhân viên trường học, Bộ trưởng cho rằng: Dù là một phần quan trọng trong cơ sở giáo dục, nhưng phải xác định nhân viên trường học thu nhập sẽ thấp hơn so với nhà giáo và không được hưởng một số phụ cấp, như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên bởi các đặc thù công việc khác nhau. Bộ GDĐT đang có kiến nghị tăng một số vị trí việc làm; thống nhất cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục không thể tự quyết vấn đề lương mà cần phải làm việc với các bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cấp cao hơn.

Đối với những chính sách cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Chúng ta cần kiên trì kiến nghị. Ngoài ra, bản thân các trường học, các nhân viên trường học, các nhà giáo cũng cần có kiến nghị, lên tiếng nhiều hơn nữa để thuận lợi cho việc đề xuất, ban hành các chính sách mang tính đặc thù nghề nghiệp.

Trước ý kiến của một số giáo viên về việc hiện có quá nhiều cuộc thi các Bộ, ngành, địa phương tổ chức dẫn tới áp lực cho giáo viên, Bộ trưởng đã có những chia sẻ cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh các cơ sở giáo dục có quyền quyết định tham gia hay không các cuộc thi không bắt buộc, trên tinh thần không gây chồng chéo, áp lực cho nhà giáo.

Cuộc gặp không thể trả lời hết các ý kiến trao đổi nhưng Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các cục, vụ phân tích các ý kiến gửi đến để có cách trả lời theo các nhóm vấn đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.