- Phát hiện ngộ độc thực phẩm từ những dấu hiệu sớm có thể giúp người bệnh kịp thời chăm sóc bản thân, nhanh chóng hồi phục sức khỏe, không để lại những di chứng cho sức khỏe.
Dưới đây là những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm điển hình mà chúng ta cần chú ý:
Đau bụng
Người bị ngộ độc thực phẩm ban đầu thường có dấu hiệu đau bụng. Các chất độc có hại gây kích ứng niêm mạc dạ dày gây ra tình trạng đau bụng và co thắt khi cơ bụng hoạt động để đẩy các sinh vật lạ ra ngoài. Tuy nhiên, đau bụng, đau co thắt vùng thượng vị có thể do ngộ độc nhưng cũng có thể do dạ dày và ruột bị viêm cấp tính.
Khi ăn các thực phẩm không được nấu chín như thịt thái lát, bánh pudding, bánh ngọt, bánh mì sandwich không đảm bảo vệ sinh, bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm do e.coli, campylobacter, tụ cầu, lỵ trực trùng... Các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, co thắt dạ dày thường xuất hiện sau ăn từ 30 phút đến 8 giờ.
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn đều là những dấu hiệu ngộ độc thức ăn điển hình. Lúc này, cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, gây ra những cơn nôn mửa kéo dài để bạn có thể “tống” tất cả thức ăn trong dạ dày ra ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bằng cách loại bỏ các tác nhân gây hại.
Trong một số trường hợp, mức độ nôn sẽ giảm dần sau 48 giờ. Ngược lại, cũng có những trường hợp nôn mửa liên tục với mức độ tăng dần. Tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi xuất hiện này để tránh tình trạng nôn mửa gây mất nước.
Các loại thịt gà, thịt sống hoặc nấu chưa chín, trứng, sữa, nước trái cây chưa tiệt trùng, trái cây và rau sống... có thể khiến bạn bị ngộ độc nếu chứa vi khuẩn salmonella. Các triệu chứng ban đầu thường gặp trong 6 giờ đến 6 ngày như tiêu chảy (có thể ra máu), sốt, buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tiêu chảy
Tình trạng đi ngoài ra nước và phân lỏng xảy ra trong khoảng 24 giờ khi bị ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng tiêu chảy thường kèm với cảm giác muốn đi vệ sinh gấp, đầy bụng hoặc đau quặn bụng. Tuy nhiên, tiêu chảy xảy ra có thể do tình trạng viêm nhiễm khiến ruột hấp thu kém nước và các chất lỏng.
Khi ăn sống một số loài có vỏ, nhất là hàu, bạn có thể mắc vi khuẩn vibrio trong vòng 24 giờ. Các triệu chứng điển hình ban đầu có thể nhận biết như tiêu chảy ra nước, buồn nôn, nôn mửa. Những người ngộ độc nặng thường xuất hiện triệu chứng sốt, ớn lạnh, co thắt dạ dày.
Các loại thịt, thịt gia cầm, nước thịt, các loại thực phẩm nấu theo mẻ lớn và bảo quản ở nhiệt độ không an toàn có thể khiến người ăn bị ngộ độc do mắc phải vi khuẩn campylobacter, clostridium perfringens. Người bệnh có triệu chứng ban đầu như tiêu chảy, co thắt dạ dày kéo dài dưới 24 giờ, nôn mửa.
Khi ăn trái cây hoặc rau sống, các loại thảo mộc bị nhiễm cyclospora, người bệnh có thể gặp triệu chứng tiêu chảy toàn nước, chán ăn, sụt cân, đầy bụng buồn nôn, mệt mỏi trong khoảng một tuần.
Sốt, ớn lạnh
Sốt cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm. Lúc này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, khoảng 38 độ C để kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động, từ đó giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Nhưng cần lưu ý rằng, nếu đo nhiệt độ thấy sốt trên 38 độ C đi kèm ớn lạnh, bạn nên đi thăm khám ngay lập tức.
Nhức đầu
Nhức đầu là triệu chứng khá phổ biến. Nhức đầu có thể do căng thẳng, do uống rượu, mất nước hay mệt mỏi nhưng cũng có thể do ngộ độc thực phẩm. Người bị ngộ độc thực phẩm nếu bị nôn và tiêu chảy cũng làm tăng nguy cơ nhức đầu do mất nước.
Virus noro có thể có trong rau lá xanh, trái cây tươi, động vật có vỏ (hàu sống), nước bị ô nhiễm, bề mặt có virus... Người bị ngộ độc do virus này có thể bị nhức đầu, đau nhức cơ thể, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng. Các triệu chứng thường kéo dài từ 12-48 giờ.
Mệt mỏi, yếu cơ
Khi vi khuẩn từ thực phẩm bị biến chất xâm nhập vào cơ thể, Histamin - hóa chất giúp mở rộng các mạch máu nhằm giúp bạch cầu dễ dàng để chống lại nhiễm trùng, sẽ được giải phóng. Tuy nhiên, hóa chất này cũng vô tình kích hoạt các thụ thể gây đau khiến người bị ngộ độc thực phẩm cảm thấy nhức mỏi cơ thể, đau cơ âm ỉ tương tự như khi bị ốm (cảm).
Tuy nhiên, khi triệu chứng này diễn tiến nặng thành yếu cơ hay thậm chí là tê liệt (đây cũng là dấu hiệu ngộ độc cấp tính botulism), bạn phải đi đến bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Vã mồ hôi liên tục
Trái với suy nghĩ của nhiều người, không phải lúc nào ngộ độc thực phẩm cũng gây ra đau bụng hay nôn ói đầu tiên. Có rất nhiều trường hợp, dấu hiệu ngộ độc thức ăn sớm là vã mồ hôi liên tục, ngay cả khi cơ thể đang nghỉ ngơi, không vận động hoặc ngồi trong môi trường mát mẻ. Cùng với dấu hiệu này, người bị ngộ độc còn có cảm giác khát nước và khô môi.
Mạch nhanh, thở nhanh
Một dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm mà bạn cần chú ý là mạch đập nhanh, thở gấp hoặc có cảm giác khó thở. Nếu đi kèm là các biểu hiện như loạn nhịp tim, đau ngực, da tím tái… thì rất có thể tình trạng ngộ độc đang trở nên nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.