Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp tại Trại David ngày 18/8. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba nước trực tiếp chính thức gặp nhau qua đó cam kết mở rộng hợp tác ba bên hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Sau cuộc gặp, các bên đã ra tuyên bố chung với tên gọi Tinh thần của Trại David nhấn mạnh một kỷ nguyên mới của đối tác ba bên trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột ở Ukraine và các hành động hạt nhân thách thức cả ba nước. Tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết mở rộng hợp tác ba bên, tăng cường nền kinh tế, ủng hộ trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và củng cố hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu. Ba nước sẽ tăng cường phối hợp chiến lược giữa liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn và đưa hợp tác an ninh ba bên lên tầm cao mới. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng, một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ là mục tiêu chung của cả ba nước.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN cũng như sự ủng hộ của ba nước đối với cấu trúc khu vực do ASEAN đứng đầu. Ba nước cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN nhằm thực hiện Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ba nước cũng dự định tham gia nỗ lực khu vực trong xây dựng năng lực cho các nước ASEAN và quốc đảo Thái Bình Dương trong một số lĩnh vực.
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại TP Hiroshima - Nhật Bản vào tháng 5-2023 Ảnh: REUTERS |
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ quan ngại về các hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cản trở hòa bình và thịnh vượng khu vực. Ba nước phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ba nước phản đối việc quân sự hóa các thực thể được bồi đắp, việc sử dụng nguy hiểm các tàu dân quân và tuần cảnh và các hoạt động cưỡng ép. Ba nước nhắc lại cam kết vững chắc của mình đối với luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng không và hàng hải được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Phán quyết của Tòa thường trực tháng 7/2016 là cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình các xung đột trên biển giữa các bên liên quan.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan và coi đó là yếu tố không thể thiếu của an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Ba nước khẳng định không thay đổi trong quan điểm về Đài Loan và kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh cam kết của ba nước đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng bảo an và kêu gọi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Ba nước lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và bày tỏ quan ngại về các hoạt động phi pháp trên mạng nhằm tạo nguồn tài chính cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của nước này.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố thiết lập một nhóm công tác ba bên mới nhằm tăng cường hợp tác bao gồm với cả cộng đồng quốc tế để chống lại các mối đe dọa trên mạng từ Triều Tiên và ngăn chặn hành động lẩn tránh trừng phạt của nước này. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục cam kết tái thiết lập đối thoại với Triều Tiên vô điều kiện. Ba nước dự định sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ba bên thường niên để tăng cường nặng lực phối hợp và hợp tác.
Vào cuối năm 2023, ba nước dự định sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa từ Triều Tiên đồng thời cam kết theo đuổi hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo tăng cường nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nhất mạnh luôn đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine và cung cấp viện trợ cho nước này cũng như trừng phạt Nga đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
(theo VOV)
https://vov.vn/the-gioi/my-nhat-ban-han-quoc-ra-tuyen-bo-chung-cam-ket-mo-rong-hop-tac-ba-ben-post1040289.vov