- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024. |
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu ra một số định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
Khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 về phát triển GD-ĐT và các quy hoạch khác có liên quan.
Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non.
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thủ tướng cho rằng, cần tổng kết, phân tích kỹ hơn tỉ lệ học sinh đăng ký vào các trường sư phạm "xem có ít đi hay không, nếu có thì ít đi ở lĩnh vực nào, bộ môn nào, khu vực, vùng nào", bởi có hệ thống dữ liệu chuẩn xác thì mới có giải pháp phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần "không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội" với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học.
Tăng cường thông tin truyền thông về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; phát hiện và tuyên truyền về những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu để tạo sức lan tỏa, tạo động lực trong xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng số, hạ tầng điện, đường truyền Internet, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo (xóa điểm lõm về sóng và Internet).
Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực và sớm công bố để định hướng dạy, học, ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.
Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh, gia đình và xã hội nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non.
Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp GD-ĐT. "Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách "dạy chữ, dạy người" cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước", Thủ tướng nói.
Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo nhiều hơn nữa; phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng công lao nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng toàn ngành GD-ĐT tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu", luôn luôn trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hành động, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
P.Mai