- Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 15, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 98 lượt ĐBQH phát biểu tại tổ, với 439 ý kiến góp ý và 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường, với 112 ý kiến góp ý. Trên cơ ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức tham vấn và học tập kinh nghiệm của các chuyên gia Úc, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Qua Báo cáo của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến 432 ý kiến (78,4%); giải trình 119 ý kiến (21,6%). Các ý kiến cơ bản được tiếp thu, có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Gợi ý một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: Nội dung tiếp thu đã phù hợp với ý kiến ĐBQH, ý kiến của UBTVQH tại thông báo Kết luận số 2656/BC-TTK ngày 26/7/2023?; Phạm vi điều chỉnh của Luật; Điều hòa, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt; Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, việc sử dụng công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước;…
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác hoàn thiện dự thảo luật, tiếp thu giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ tán thành không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh luật này như các lý do được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu.
Đối với các nội dung khác, về đăng ký cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định đối với nước ngầm cần cân nhắc quy định chặt chẽ. Phân tích thực trạng nước ngầm nếu khai thác không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay tại dự thảo luật cần có những quy định rõ, nhằm kiểm soát hiệu quả vấn đề này.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức lưu vực sông là điều mới, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không cần quy định vào dự thảo luật. Bởi vì, nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ theo như quy định Luật Tổ chức Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng phân tích và lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát như: Quy định về xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo; điều khoản chuyển tiếp;… để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu đã tiếp thu 78,4% ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình 26,1% ý kiến đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 điều mới, bỏ 04 điều, sửa đổi 75 điều, tăng 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Tán thành việc không điều chỉnh nước khoáng và nước nóng thiên nhiên tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lý giải, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao (điều kiện khai thác, cấp quyền khai thác, giá trị khai thác, sử dụng…).
Bên cạnh đó, hiện nay loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không nên bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật là hoàn toàn phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Liên quan đến dữ liệu về quản lý tài nguyên nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là nền tảng cơ bản để các cơ quan quản lý và người dân chọn mô hình sử dụng hợp lý,… Các thông tin dữ liệu phải dựa trên các nghiên cứu khoa học và hiện trạng tài nguyên nước.
Từ việc phân tích hạn chế của cơ sở dữ liệu này hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần có dữ liệu thống nhất từ trung ương tới địa phương, tránh phân tán ở các bộ ngành địa phương. Do đó, luật để đảm bảo tính khả thi cũng cần có quy định cụ thể hơn về cách thức kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước; …
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thống nhất dự luật này không điều chỉnh nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vì tính chất giá trị cao hơn và đã được điều chỉnh ổn định trong Luật khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nếu thống nhất cao chỉ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 01 phương án.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý để hậu kiểm, để các đối tượng tự giác thực hiện; quy định rõ việc lấy đối tượng trong quy hoạch tài nguyên nước; quy định rõ hơn cơ chế điều chỉnh ngân sách; bổ sung 1 điều mang tính nguyên tắc bảo vệ nước mặn; vấn đề nước sạch nông thôn;…
Cho rằng, quá trình giải trình, tiếp thu đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 6 trước khi Quốc hội xem xét thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất.