- Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc lớn, như việc xác minh hóa đơn để hoàn thuế; thời gian hoàn thuế trong nhiều trường hợp bị kéo dài ảnh hưởng tới nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp…
Chiều 22/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về tình hình tổ chức triển khai giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trước đó tại phiên họp thứ 24 (tháng 7/2023), Ủy ban Thường vụ Quóc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023. Thông báo kết luận về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc giao “Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng được kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc |
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, tính đến ngày 21/8/2023, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhận được 63 báo cáo của Cục thuế các tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở tổng hợp sơ bộ các nội dung báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với Cục thuế một số tỉnh, thành phố (Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hà Nội) để làm việc với lãnh đạo Cục thuế và các phòng liên quan đến công tác hoàn thuế, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương; đại diện người nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế tại địa phương có khó khăn, vướng mắc lớn về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Vân Chi cho biết, qua các nội dung trao đổi, làm việc trực tiếp với Cục thuế một số tỉnh, thành phố, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị từ đại diện người nộp thuế, doanh nghiệp tại địa phương, cơ bản nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định.
Cụ thể, số quy định còn chưa thống nhất, rõ ràng, việc xác minh hóa đơn, phối hợp xác minh hóa đơn để hoàn thuế trong thực tiễn còn nhiều bất cập, kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả đạt được chưa cao dẫn đến thời gian hoàn thuế trong nhiều trường hợp bị kéo dài; một số nội dung hướng dẫn còn mang tính định tính, dễ gây cách hiểu và thực hiện chưa nhất quán,... Việc kéo dài thời hạn hoàn thuế đã phần nào ảnh hưởng tới nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, dự kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ tiếp tục triển khai khảo sát, làm việc với Cục thuế một số tỉnh, thành phố; đồng thời khẩn trương tổng hợp các nội dung liên quan đến công tác hoàn thuế giá trị gia tăng trên cơ sở thông tin, số liệu được cung cấp trong các báo cáo của Cục thuế các tỉnh, thành phố và báo cáo của Tổng Cục thuế để xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá các nội dung liên quan phân tích làm rõ các nội dung bất cập, vướng mắc liên quan đến các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành; các vướng mắc phát sinh do quá trình thực thi pháp luật.
Kết luận nội dung làm việc, nhấn mạnh đây là nội dung được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc đợt khảo sát địa phương, họp Đoàn giám sát, làm việc với các cơ quan hữu quan để có báo cáo kết quả giám sát chính thức về nội dung này.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc càng sớm đưa ra được những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng được kịp thời, hiệu quả càng tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý qua giám sát thực tiễn cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến quy định pháp luật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện, trách nhiệm của ngành thuế; giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm làm rõ nguyên nhân tại sao vướng mắc lại tập trung ở một số địa phương, khu vực và một số ngành hàng như gỗ, cao su, tinh bột sắn…, những ngành có hoàn thuế lớn, khối lượng giao dịch lớn; ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó yêu cầu Bộ Tài chính có báo cáo theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ NNN&PTNT, Bộ Công thương báo cáo tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, hoàn thuế… để có thêm căn cứ thực tiễn trong quá trình giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hai mặt của vấn đề, đó là vừa thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời, bảo đảm quyền của doanh nghiệp, mặt khác chống gian lận thương mại chống thất thoát ngân sách. Do đó, giám sát cần đánh giá toàn diện vấn đề, những kết quả đạt được trong việc thực hiện, những vướng mắc và đề xuất giải pháp.