Trung bình mỗi ngày, Trung tâm đột qụy, BV Bạch Mai tiếp nhận từ 40-50 ca bệnh đột quỵ, trong đó có khoảng 15-20% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi.
Đột quỵ ở người trẻ là gì?
Trong chuyên ngành đột quỵ, người trẻ là những người dưới 45 tuổi. So với cộng đồng người bệnh nói chung, người trẻ có những đặc điểm, những căn nguyên gây đột quỵ ở người trẻ trở nên đặc thù hơn, chẳng hạn những bệnh lý về di truyền - đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Đột quỵ có mấy loại? Đối với đột quỵ có thể chia làm 3 loại bao gồm:
- Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não. Đây là loại đột quỵ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
- Đột quỵ chảy máu não, tức là mạch máu não vỡ ra và gây chảy máu trong não.
- Đột quỵ chảy máu dưới nhện.
Ảnh minh họa (Sức khỏe đời sống) |
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Với những bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm và đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Vì vậy, Hội đột quỵ thế giới hình thành nên bộ dấu hiệu áp dụng cho cộng đồng có thể biết bệnh nhân đang có dấu hiệu đột quỵ viết tắt là FAST.
F: Face - (mặt) bệnh nhân méo miệng.
A: Arm - tay chân một bị tê bì, yếu tùy theo từng mức độ.
S: Speech - giọng nói. Bệnh nhân nói ngọng, giọng nói bị thay đổi.
T: Time - thời gian. Đây là yếu tố rất quan trọng. Cần phải xác định chính xác thời gian bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ để khi bệnh nhân nhập viện bác sĩ có thể xác định được giờ vàng của bệnh nhân. Từ đó đưa ra chiến lược cấp cứu và điều trị.
Một số bệnh nhân có thể biểu hiện một trong các triệu chứng FAST. Tuy nhiên có thể biểu hiện thoáng qua dưới 24 giờ hoặc bệnh nhân chỉ có biểu hiện trong vòng 1-2 giờ đồng hồ, sau đó trở về bình thường.
Nếu bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua không nhập viện, không thăm khám các yếu tố nguy cơ đột quỵ thì tỷ lệ tái phát và diễn biến thành nguy cơ đột quỵ rất cao. Thậm chí bệnh nhân có thể xuất hiện nhồi máu não nhẹ sau đó nặng dần.
Khuyến cáo bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng như thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ (sau đó có thể khỏi) nên nhập viện sớm để khảo sát các yếu tố nguy cơ. Từ đó bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị, tránh trường hợp tái phát.
Vì sao người trẻ bị đột quỵ?
Người trẻ là những người tạo ra giá trị phần lớn cho xã hội. Lối sống ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, áp lực công việc khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng. 71% những người sau đột quỵ sẽ mất/giảm sức lao động. Tình trạng đột quỵ ở người trẻ xảy ra nhiều và đang trở nên đáng báo động.
Một trong những căn nguyên gây đột quỵ ở người trẻ là những căn nguyên bệnh lý di truyền hoặc có những tổn thương dị dạng mạch máu não. Đây là những dị dạng xuất phát ngay từ khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng trong cuộc sống hàng ngày không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân cũng không chụp mạch máu não để phát hiện sớm những dị dạng đó. Khi nhập viện trong tình trạng đột quỵ, lúc này bệnh nhân mới được chụp mạch máu não và phát hiện dị dạng.
Nguyên nhân hay gặp gây đột quỵ ở người trẻ là:
- Tăng huyết áp do lối sống sinh hoạt hàng ngày. Đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng do stress trong đời sống hàng ngày, chế độ ăn lười vận động.
- Một số căn nguyên do di truyền như bệnh lý tim mạch, bệnh lý dị dạng mạch máu não hình thành tổn thương ngay từ khi còn nhỏ.
Điều trị đột quỵ như thế nào?
Để điều trị đột quỵ ở người trẻ và đột quỵ nói chung phụ thuộc nhiều vào thời gian bệnh nhân được đưa tới bệnh viện. Nếu trong khung giờ vàng, sẽ sử dụng chiến lược điều trị tối cấp cứu. Ví dụ bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đang còn trong giờ vàng (xảy ra trong vòng 4,5 tiếng), bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết có chức năng tiêu cục máu đông gây ra nhồi máu não.
Một số trường hợp nhồi máu não do tắc mạch máu lớn bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng can thiệp để lấy cục huyết khối ra và tái thông lại mạch máu não cho bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân sẽ cải thiện đáng kể. Có thể ban đầu vào liệt hoàn toàn nửa người, hôn mê bất tỉnh nhưng nếu được tái tưới máu trong khung giờ vàng, bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Một số bệnh nhân có biểu hiện hôn mê bất tỉnh việc sơ cấp cứu tại nhà vô cùng quan trọng. Nếu sơ cấp cứu sai một số bệnh nhân có thể bị ho, sặc ảnh hưởng đến tính mạng. Điều quan trọng là đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ
Để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ, người dân cần thay đổi lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó giảm các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ. Nếu có bệnh lý tim mạch cần đi khám định kỳ sử dụng thuốc dự phòng đột quỵ chặt chẽ và kiểm soát huyết áp.
Quan trọng nhất vẫn phải thay đổi lối sống như:
- Tăng cường vận động về thể chất và giải tỏa tinh thần. Hạn chế những stress, căng thẳng trong cuộc sống.
- Kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì.
- Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn nhiều muối, ăn đồ ăn khiến cơ thể dư thừa chất béo.
- Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu…
Theo Sức khỏe đời sống
https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-dot-quy-o-nguoi-tre-lam-gi-de-phong-ngua-169230824114415054.htm