- Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện...
Chiều 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13;
Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.
Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên, nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo lộ trình; hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kinh phí; ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; bố trí, cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước…
Từ kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu |
Cụ thể, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế…); Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát việc bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương…
Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp, kiến nghị nêu trong Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát…
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Uỷ ban Xã hội đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng như nỗ lực của Bộ GD&ĐT, các bộ liên quan, đặc biệt là các thầy cô, các nhà quản lý... để thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chương trình và đạt được kết quả tích cực..
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ rõ, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất là do chương trình áp dụng chung cho mọi vùng miền, nông thôn, thành thị và với mọi đối tượng học sinh, do vậy phát sinh sự chênh lệch trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, trong báo cáo nêu rõ là nhiều văn bản chưa kịp thời.
Thứ ba, mục tiêu thì cao và xa hơn so với nguồn lực thực hiện, kinh phí tự thực hiện (như về vấn đề kinh phí, vấn đề con người, vấn đề trang thiết bị..)
Từ những hạn chế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị vẫn kiên định thực hiện mục tiêu trên và vừa làm vừa điều chỉnh. Đồng thời cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, đối tượng học sinh và đặc biệt là đối tượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát là Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí và xây dựng Luật Nhà giáo để tạo điều kiện cho giáo viên và nhà quản lý yên tâm cống hiến, đẩy mạnh xã hội hóa trong mọi khâu để có thêm nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền, công tác truyền thông về kết quả đã có và giải pháp sắp tới cho đội ngũ giáo viên, học sinh.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đối với chất lượng, hiệu quả việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, chương trình mới thực hiện 3 năm, nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng, hiệu quả tổng thể của chương trình, tuy nhiên, đã có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả ban đầu của chương trình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung thêm một mục trong báo cáo để đánh giá về chất lượng, hiệu quả chương trình sách giáo khoa đã được thực hiện ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, cấp trung học cơ sở lớp 6, lớp 7, trung học phổ thông lớp 10.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục; việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện sách giáo khoa... để ghi nhận đậm nét thêm về những gì đã đạt được. Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, đổi mới giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới..., đồng thời rà soát thêm, bổ sung thời hạn đối với những những nhiệm vụ có thể xác định thời hạn cụ thể để làm cơ sở cho việc giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đã nhiều lần làm việc với Bộ GD&ĐT. Về cơ bản Đoàn giám sát và Bộ Giáo dục và Đào tại đã thống nhất nhiều nội dung Báo cáo Đoàn giám sát. Chỉ còn một nội dung liên quan đến 1 bộ sách giáo khoa.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa, và nếu Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung kiến thức phổ thông như hiện nay thì trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông này, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa là việc làm hệ trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoan nghênh việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề này. Thời gian qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử nhiều thành viên tham gia Đoàn giám sát. Trực tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tham gia các các cuộc giám sát, khảo sát thực tiễn qua đó ghi nhận nhiều ý kiến.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành họp về nội dung này và dành thời gian nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo, trao đổi làm rõ nhiều vấn đề. Qua đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí cao với nhiều ý kiến cho rằng mới chương trình giáo dục, sách giao khoa mới có nhiều ưu điểm, từng bước chuyển sang phát huy năng lực học tập của người học. Tuy nhiên do là quá trình đổi mới, nên có những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy cần cầu thị để có điều chỉnh cần thiết để chương trình vận hành đúng hướng.