- Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam gửi đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) các chất vấn liên quan đến việc bố trí nguồn lực thực hiện giai đoạn 2 Quốc lộ 57 và các đoạn tuyến Quốc lộ 57B, 57C…
Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ Giao thông Vận tải, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre kiến nghị bố trí nguồn lực thực hiện giai đoạn 2 Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Quốc lộ 57 do Bộ GTVT quản lý, là tuyến đường giao thông đường bộ quốc gia nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, là trục xương sống của Cù Lao Minh và là trục đối ngoại quan trọng của tỉnh Bến Tre đến các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng qua tỉnh Vĩnh Long và nối vào Quốc lộ 1A hoặc theo Quốc lộ 60 qua cầu Cổ Chiên và cầu Rạch Miễu. Đồng thời, đây là tuyến đường kết nối các khu đô thị lớn như thị trấn Chợ Lách - thị trấn Mỏ Cày - thị trấn Thạnh Phú - thành phố Vĩnh Long, nên lưu lượng tham gia giao thông rất lớn.
"Mặc dù Bộ GTVT đã quan tâm triển khai đầu tư giai đoạn 1 mở rộng một số đoạn trên Quốc lộ 57, nhưng giai đoạn 2 của dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 (đoạn Mỏ Cày đến Khâu băng dài khoảng 56 km) vẫn chưa có nguồn vốn thực hiện trong khi đoạn đường này đang xảy ra hư hỏng, ách tắc cục bộ, nhất là khi mưa bão kéo dài. Cử tri mong muốn Bộ Giao thông vận tải sớm quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện toàn tuyến Quốc lộ 57” - ĐB Trần Thị Thanh Lam nêu rõ.
Liên quan đến việc đầu tư sửa chữa Quốc lộ 57B, 57C, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết, tổng chiều dài tuyến là 152,1 km (trong đó đoạn Quốc lộ 57B là 86,2 km; Quốc lộ 57C là 65,9 km), trong đó đã thực hiện đầu tư sửa chữa khoảng 50km cho cả 2 đoạn, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn bảo trì đường bộ hàng năm, hiện còn lại 102,1 km với hiện trạng là đường bê tông nhựa nóng và láng nhựa đã đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm.
“Hiện nay, các đoạn tuyến Quốc lộ 57B, 57C đang xuống cấp hư hỏng rất trầm trọng, ảnh hưởng đến việc giao thương, đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đông đảo cử tri trong khu vực rất quan tâm, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét bố trí nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh để nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường trên” - đại biểu Trần Thị Thanh Lam gửi ý kiến đến Bộ Giao thông Vận tải.
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam |
Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ GTVT cho biết, về bố trí nguồn lực thực hiện giai đoạn 2 Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,…
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Bộ GTVT đã ưu tiên bố trí 2.425 tỷ đồng để đầu tư 02 dự án: Đó là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến tre và Vĩnh Long khoảng 244 tỷ đồng; và dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre khoảng 2.181 tỷ đồng.
“Bộ Giao thông Vận tải thống nhất về sự cần thiết đầu tư dự án, tuy nhiên do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng như mong muốn của cử tri tỉnh Bến Tre” - Bộ Giao thông Vận tải trả lời đại biểu Lam.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua để đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên và đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí các năm 2021, 2022, 2023 khoảng 55.870 triệu đồng và năm 2024 dự kiến khoảng 42.159 triệu đồng.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư dự án, đồng thời giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” - Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Về đầu tư sửa chữa Quốc lộ 57B, 57C, Bộ cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hai tuyến Quốc lộ 57B và Quốc lộ 57C có tổng chiều dài khoảng 151 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III-IV, 2-4 làn xe, hiện trạng đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên và đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí các năm 2021, 2022, 2023 khoảng 155.054 triệu đồng và năm 2024 dự kiến khoảng 65.878 triệu đồng.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” - Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.