- Cử tri cho rằng việc quy định về tiêu chí xác định điểm đen còn nhiều bất cập. Mặt khác trình tự khắc phục, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông khá phức tạp dẫn đến chậm xử lý điểm đen…
Ảnh minh họa |
Bộ GTVT vừa có Văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên do Ban Dân nguyện chuyển đến, trong đó nêu rõ: “Thực hiện các quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, trong thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm xử lý vị trí nguy hiểm, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung. Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc quy định về tiêu chí xác định điểm đen còn nhiều bất cập. Mặt khác trình tự khắc phục, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông khá phức tạp dẫn đến chậm xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Cử tri kiến nghị Bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư này cho phù hợp”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, triển khai Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, hàng năm các đơn vị chức năng của ngành GTVT đã thường xuyên rà soát, tiếp thu kiến nghị của người dân và lực lượng chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2022, trên hệ thống quốc lộ, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã xử lý được 1.489 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã cho phép chuẩn bị đầu tư để xử lý 16 vị trí điểm đen, 22 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; với kết quả xử lý nêu trên, đã từng bước nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần làm giảm tai nạn giao thông cả 03 tiêu chí (về số vụ, số người chết, số người bị thương) trong những năm qua;
"Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ như kiến nghị của cử tri, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ GTVT sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật; ngoài ra, nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT cũng được nghiên cứu xây dựng nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của Dự án Luật Đường bộ khi được Quốc hội thông qua." - Bộ GTVT trả lời kiến nghị của cử tri.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện có 33 công trình xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trong đó có 19 công trình phải hoàn thành trước 30/6/2023; 14 công trình chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ giải ngân, không đáp ứng tính chất xử lý ngay của điểm đen.
Để đảm bảo ATGT và tiến độ giải ngân năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị nêu trên nghiêm túc thực hiện hoàn thành theo kế hoạch các công trình đã thực hiện điều chỉnh phải pháp thiết kế, gia hạn tiến độ. Nếu công trình tiếp tục chậm hoàn thành, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, xem xét hình thức xử lý kỷ luật trước khi triển khai các thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án. Đối với các công trình đang điều chỉnh thiết kế để phù hợp với điều kiện thực tế, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phải xây dựng và phê duyệt tiến độ hoàn thành cụ thể, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Liên quan đến các công trình chưa triển khai do vướng mắc về GPMB, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành xong GPMB mới triển khai đấu thầu, tránh phải điều chỉnh thiết kế hoặc thi công dở dang, tiềm ẩn gây mất ATGT và không phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Cũng theo Cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cho phép đầu tư 16 điểm đen TNGT với tổng kinh phí gần 93 tỷ đồng; 22 điểm tiềm ẩn ATGT và 21 điểm mất ATGT khác với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời, Cục sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để xảy ra ùn tắc giao thông và TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.