- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Tại phiên họp sáng 24/8, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nguyên tắc, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hôm 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Ngay sau phiên họp, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, Dự thảo đã bổ sung thêm 01 điều quy định về đối tượng áp dụng bao gồm: cơ quan thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tại Điều 2.
Về Quy định rõ đối tượng được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra huyện, Thanh tra trong quân đội, công an, Thanh tra Ngân hàng nhà nước và Thanh tra cơ yếu chính phủ. Đối với các cơ quan được giao thanh tra chuyên ngành thì không được trích.
Các khoản được trích được quy định bao gồm: Các khoản thu ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng không đúng quy định của pháp luật hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Về mức trích, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 30 tỷ đồng/năm.
Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 03 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 05 tỷ đồng/năm.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nguyên tắc, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết. |
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327 do quy định này đã có căn cứ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, cần xác định rõ mức trích này chỉ là mức chi hỗ trợ thêm; các nhiệm vụ chi liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, tăng cường cơ sở vật chất,… ngân sách Nhà nước cần bố trí đầy đủ kinh phí cho các cơ quan thanh tra để triển khai thực hiện các hoạt động được giao theo đúng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 16/8. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu, cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh, bám sát yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022, quy định rõ các khoản được trích, đối tượng được trích…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc tăng biên độ như dự thảo của Chính phủ đề xuất thì kinh phí trích cho cơ quan thanh tra ước tăng 45 tỷ đồng/năm (ngân sách trung ương tăng 27 tỷ đồng/năm, địa phương tăng 18 tỷ đồng/năm), tương ứng tăng 12%. Trong khi đó nhiệm vụ đối với cơ quan thanh tra ngày càng tăng, yêu cầu và áp lực trong công tác của ngành thanh tra ngày càng cao, nhất là trong công tác thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng mức tăng như dự thảo Nghị quyết là hợp lý.
Đồng tình với nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc tăng biên độ như dự thảo của Chính phủ đề xuất tương ứng tăng 12%. Với mức tăng này là không lớn, đồng thời sẽ đảm bảo việc nâng cấp, trang thiết bị phục vụ tốt hơn công tác thanh tra, đảm bảo việc thực thi pháp luật được tốt hơn trong thời gian tới.
Tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nguyên tắc, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.