- Liên quan đến đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước ta…
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng cho biết, theo nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, tuy nhiên, đây cũng là những người có thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông. Đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta.
“Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.” – Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.
“Các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…” – Bộ trưởng nêu quan điểm và cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.
Bộ trưởng cũng cho hay, về số liệu thống kê thì tỉ lệ người dân nông thôn hiện là 27%. “Nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất là lớn.” – Bộ trưởng lý giải.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có những giải pháp không chỉ cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo đó đảm bảo là người người dân vẫn còn giữ đất nhưng trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.