- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Nam Phi vào ngày hôm nay (21/8) trong một chuyến đi nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quốc gia đang phát triển và mới nổi, khi mối quan hệ giữa cường quốc số 1 Châu Á với Mỹ vẫn căng thẳng nghiêm trọng và những rắc rối kinh tế nổi lên trong nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nam Phi sẽ bao gồm việc tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi BRICS. Đây mới chỉ là chuyến công du quốc tế thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay – một sự tương phản rõ rệt với những hoạt động ngoại giao khắp thế giới của ông trước đại dịch Covid-19.
Lần gần đây nhất Nhà lãnh đạo Trung Quốc rời khỏi đất nước là vào tháng 3 để gặp “người bạn thân thiết” Vladimir Putin ở thủ đô Moscow. Tại đây, hai nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc đã lên tiếng tái khẳng định sự liên kết chiến lược chặt chẽ của họ nhằm chống lại Mỹ và đưa ra tầm nhìn về một trật tự thế giới mới không còn bị phương Tây chi phối.
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm BRICS kể từ khi đại dịch mang đến một cơ hội khác để thúc đẩy tầm nhìn nói trên.
Các thành viên của khối BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - chiếm hơn 40% dân số toàn cầu. Họ cũng chia sẻ mong muốn về một thế giới đa cực hơn và nhu cầu có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không cố gắng vượt qua Mỹ trong trật tự quốc tế tự do hiện có do Mỹ thống trị. Mục tiêu dài hạn của ông ấy là thay đổi trật tự thế giới thành một trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm”, ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London đã nhận định như vậy.
Để hỗ trợ cho tham vọng đó, theo ông Tsang, “việc Trung Quốc tham gia với Nam bán cầu là điều hợp lý - nơi vốn đông hơn nhiều so với các nền dân chủ phương Tây”.
Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Chen Xiaodong hồi cuối tuần vừa rồi đã ca ngợi BRICS là “một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia mới nổi và đang phát triển” và là “xương sống của sự công bằng và công lý quốc tế”.
“Hệ thống quản trị toàn cầu truyền thống dường như không hoạt động, ốm yếu và thiếu năng lực. Cộng đồng quốc tế đang háo hức mong chờ BRICS… đóng vai trò dẫn đầu,” ông Chen đã nói như vậy với các phóng viên.
Chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nam Phi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thể hiện sự đoàn kết và mạnh mẽ trước các mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh ở Trại Davis chứng kiến Mỹ và hai đồng minh thân cận nhất ở châu Á tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế – đồng thời chỉ trích “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Paul Nantulya, một cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi, cho biết với việc Trung Quốc và Mỹ bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, BRICS đã đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn đối với Bắc Kinh.
“Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh BRICS, vì Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham dự trực tiếp cuộc họp này”, nhà phân tích Nantulya nói. Tổng thống Putin sẽ tham gia hội nghị BRICS trực tuyến.