- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan bổ sung thuyết minh, căn cứ khi lựa chọn khoảng thời gian điều chỉnh giá bán điện tối thiểu là 3 tháng…
Góp ý cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cần được nghiên cứu, làm rõ việc đảm bảo các chính sách giá điện quy định tại Luật Điện lực, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầy tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý; giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện lực; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả….
Đồng thời, cần khắc phục được tình hình “Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an ninh xã hội” được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ-TW.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho biết quyết định này chỉ quy định việc tính toán giá bán lẻ điện bình quân, còn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện thông qua các cơ chế và quy định khác.
Cũng trong phần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương bổ sung tính toán, đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trong DT QĐ đối với các đối tượng áp dụng, cũng như tác động đối với nền kinh tế;
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 8 DT QĐ: “Báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chi phí mua điện của khách hàng sử dụng điện”.
Đồng thời, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan bổ sung thuyết minh, căn cứ khi lựa chọn khoảng thời gian điều chỉnh giá bán điện tối thiểu là 3 tháng, đảm bảo tính thực tế và khả thi trong tổ chức thực hiện; nghiên cứu những lựa chọn thời gian khác để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong điều hành trước bối cảnh có những tác động nhanh, bất ngờ như hiện nay.
Với đề nghị này, Bộ Công Thương cho biết đã tiếp thu và có báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Quyết định.
Đối với việc đánh giá tác động đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, Bộ Công Thương cho hay đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng cục thống kê. Do vậy, Dự thảo Quyết định đã bổ sung trách nhiệm của Tổng cục thống kê liên quan đến nội dung này.