Bất cập trong thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi

0
0

 - Kết quả giám sát cho thấy, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thiết kế rất phức tạp, giải ngân trong thời gian ngắn dẫn đến khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Chương trình phức tạp, thời gian triển khai ngắn

Đề cập về kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN rất lớn, nên công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành.

Kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, giải ngân vốn kế hoạch 2022 (gồm cả vốn 2022 kéo dài sang 2023) là 55,85%; vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân đến tháng 06/2023 ước đạt 16,5%.

“Như vậy, sau khi Chương trình đã triển khai được nửa giai đoạn thì vốn giải ngân vẫn còn rất thấp. Trong điều kiện nhiều văn bản hưởng dẫn còn bất cập, có nội dung chưa được sửa đổi; các dự án, tiểu dự án liên quan đến giải ngân vốn sự nghiệp, hỗ trợ sản xuất rất khó thực hiện, thì khả năng giải ngân được 44,25% vốn kế hoạch năm 2022 và 83,5% vốn kế hoạch trong 4 tháng còn lại của 2023 (từ tháng 9 đến tháng 12) là một thách thức rất lớn.” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, việc giải ngân trong điều kiện thời gian ngắn như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều hoạt động, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không phù hợp về mùa vụ để triển khai trong giai đoạn cuối năm, hay khó khăn do mùa mưa bão đối với triển khai các công trình cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Mặc dù việc triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình liên quan đến vốn đầu tư không có nhiều vướng mắc, tuy nhiên triển khai nội dung liên quan đến vốn sự nghiệp nhất là hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ các dân tộc còn khó khăn, thậm chí không thực hiện được do thiếu hướng dẫn, quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp.

Về việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của người dân nhiều địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết còn gặp khó khăn, có nơi không thực hiện được; trong khi đó tiếp cận với vốn tín dụng gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ gia đình thuộc diện nghèo, không có đất ở, nhà ở, không đủ điều kiện, tiêu chí được vay nên khó khó tiếp cận được tín dụng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thiết kế rất phức tạp, gần như tập hợp lại tất cả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS&MN trong một Chương trình mục tiêu quốc gia, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, quá trình xây dựng và thiết kế Chương trình chưa được nghiên cứu và khảo sát kĩ, phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, dẫn đến khi triên khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó còn do hệ thống khung pháp lý các văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện lớn, ban hành chậm, chưa đồng bộ, có văn bản nội dung chưa rõ ràng, dẫn chiếu nhiều văn bản khác (có Điều khoản dẫn chiếu đến lần thứ 5) nên rất khó khăn trong quá trình tra cứu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, trách nhiệm quản lý, điều phối của cơ quan chủ Chương trình là rất lớn trong khi tình hình biên chế, nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn nhiều hạn chế. Ở nhiều địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không có Phòng Dân tộc huyện (hoặc đã giải thể trong thời gian gần đây); ở cấp xã cũng không có công chức, viên chức được phân công về công tác dân tộc (mà thường ghép với công chức văn hóa, xã hội). Cơ quan công tác dân tộc, ở một số địa phương vừa yếu, vừa thiếu. Do đó, việc triển khai Chương trình ở địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thiếu thống nhất và gặp nhiều khó khăn.

Cần quy định lộ trình cụ thể

Từ những tồn tại, hạn chế nói trên, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quy định cụ thể lộ trình, thời gian tiếp tục hỗ trợ chế độ an sinh xã hội cho người dân các xã thuộc khu vực I đạt chuẩn NTM; các xã mới ra khỏi diện đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN (do phân định lại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTG ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ) ít nhất là 03-05 năm để giảm bớt khó khăn, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, hộ dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo.

Đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý để tạo quỹ đất nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, thực hiện sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư trong Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN thông qua biện pháp thu hồi đất để tạo quỹ đất giải quyết các mục tiêu quan trọng này và đưa vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét.

Sớm triển khai Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nghiên cứu, triển khai nội dung thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát tỉnh khả thi của các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN, để điều chỉnh Quyết định 1719/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ và văn bản liên quan để có thể triển khai thực hiện được (hiện nay sửa đổi Thông tư 02/2022/TT-UBDT vẫn chưa hoàn thành, so với các bộ, ngành khác là rất chậm).

Cùng với đó, nghiên cứu trình Chính phủ hướng dẫn các địa phương trong kiện toàn cơ chế điều phối, quản lý tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là tại các địa phương không có Ban dân tộc ở cấp tỉnh hoặc không có phòng dân tộc ở cấp huyện để đảm bảo tính nhất quán trong đầu mối theo dõi, tổng hợp, quản lý thực hiện Chương trình.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.