- Malaysia hôm qua (30/8) đã cùng với Ấn Độ lên tiếng phản đối bản đồ mới của Trung Quốc trong đó đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ và các khu vực hàng hải của Malaysia gần đảo Borneo trước Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào tuần tới tại New Delhi.
Ảnh minh họa |
Điều này đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đang bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự kéo dài ba năm qua dọc biên giới chung giữa hai nước.
Thời điểm diễn ra sự phản đối nói trên rất quan trọng vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự trực tiếp hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng: “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì chúng không có cơ sở. Những bước đi như vậy của phía Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề biên giới”.
Bộ Ngoại giao Malaysia trong một tuyên bố ngày hôm qua (30/8) đã bác bỏ “tuyên bố đơn phương” của Trung Quốc và nói thêm rằng bản đồ này “không có giá trị ràng buộc” đối với nước này.
Nó cũng kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại và đàm phán.
Ấn Độ mới đây đã chính thức gửi phản đối thông qua các kênh ngoại giao với phía Trung Quốc về cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ.
Phiên bản bản đồ của Trung Quốc được công bố hôm thứ Hai đầu tuần (28/8) trên trang web của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên cho thấy rõ ràng Arunachal Pradesh và Cao nguyên Doklam - nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh chấp nóng bỏng, nằm trong biên giới Trung Quốc, cùng với Aksai Chin ở khu vực phía tây mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ vẫn tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar Subhramanyam cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 29/8.
“Chúng tôi biết rất rõ ràng rằng lãnh thổ của mình là gì. Không có nghi ngờ gì về điều đó. Chỉ đưa ra những tuyên bố vô lý cũng không biến lãnh thổ của người khác thành của bạn”, ông Subhramanyam nhấn mạnh.
Trung Quốc gần đây đã từ chối đóng dấu thị thực trên hộ chiếu của các quan chức từ bang Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ, thay vào đó sử dụng giấy chứng nhận được đóng ghim, ám chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ. Họ cũng từ chối công nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với phần Kashmir mà nước này kiểm soát và từ chối cử phái đoàn tới cuộc họp G20 ở đó vào tháng 5.
Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, nơi Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh những lo ngại của New Delhi về các vấn đề biên giới chưa được giải quyết của họ.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường nỗ lực nhằm giảm căng thẳng tại biên giới tranh chấp và đưa hàng nghìn binh sĩ được triển khai ở đó về nước.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng bế tắc kéo dài 3 năm giữa hàng chục nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh. Một cuộc đụng độ ba năm trước trong khu vực đã cướp đi sinh mạng của 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 người Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo: “Hai bên nên lưu ý đến lợi ích chung trong quan hệ song phương và xử lý đúng đắn vấn đề biên giới để cùng nhau bảo vệ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới”.
Các chỉ huy quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau vào đầu tháng này trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ổn định tình hình.