- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý không tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế của nhóm BRICS tại Johannesburg vào tháng tới, trong đó có sự góp mặt của Thủ tướng Trung Quốc và các nhà lãnh đạo thế giới khác vì lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Nga, nhà chức trách Nam Phi mới đây cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Văn phòng của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho hay Nga và nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Nam Phi đã đạt được "thỏa thuận chung" rằng ông Putin sẽ không tham dự cuộc họp từ ngày 22 đến 24/8 - nơi quy tụ một khối các nền kinh tế đang phát triển được gọi là BRICS, mặc dù ban đầu ông Putin được mời tham dự.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Putin “đã quyết định tham gia” hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Thông tin này đã chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về việc liệu ông Putin có tới Nam Phi hay không. Nam Phi đã ký kết Hiệp ước Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế và do đó nước này có nghĩa vụ bắt giữ Nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Nam Phi.
Nam Phi đã phát đi những tin hiệu mạnh mẽ thể hiện rằng họ sẽ không bắt giữ Tổng thống Putin nếu ông này đến tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS nhưng Nam Phi cũng đã vận động hành lang để ông chủ điện Kremlin không tham dự hội nghị nhằm tránh các rắc rối.
Mới tuần trước, Nam Phi cho biết nhà lãnh đạo Nga đã quyết tâm tham dự, có lẽ như một cách để thách thức lệnh của ICC. Tuy nhiên, sau đó, Moscow đã bác bỏ thông tin này.
Moscow đã thể hiện liên minh BRICS như một giải pháp thay thế cho sự thống trị toàn cầu của phương Tây, nhưng cuộc họp năm nay đã gây khó xử cho Tổng thống Putin sau khi ICC vào tháng 3 truy tố Nhà lãnh đạo Nga về các tội ác chiến tranh liên quan đến việc bắt cóc trẻ em từ Ukraine.
Mặc dù Moscow đã bác bỏ lệnh bắt giữ của ICC nhưng Tổng thống Putin đã không đến một quốc gia ký kết hiệp ước ICC nào kể từ khi lệnh bắt được đưa ra. Các nhà phân tích cho rằng cuộc tranh luận công khai về việc liệu nhà lãnh đạo Nga có tới Nam Phi hay không là một diễn biến không mong muốn đối với Điện Kremlin.
Chính phủ Nam Phi có quan hệ chính trị chặt chẽ với Nga, nhưng sự tham dự của Tổng thống Putin sẽ khiến chính phủ này phải rơi vào tình huống khó xử về mặt pháp lý và ngoại giao.
Đảng đối lập chính của Nam Phi gần đây đã gây sức ép buộc chính phủ phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ nước này. Hiệp ước ICC cũng đã trở thành một phần của luật nội địa Nam Phi, có nghĩa là chính phủ có thể bị đưa ra tòa án ở Nam Phi nếu không tôn trọng cam kết của mình với tòa án quốc tế.
Tổng thống Nam Phi Ramaphosa mới đây đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin. Sau đó, Nhà lãnh đạo Nam Phi cũng đã tiến hành nhiều cuộc “tham vấn" với các quan chức BRICS, văn phòng của ông Ramapohosa cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia BRICS khác, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, văn phòng của Tổng thống Nam Phi cho biết.
Trước đó, một tài liệu tòa án được công bố cho thấy, Tổng thống Ramaphosa đã nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Nam Phi nhằm bắt giữ Tổng thống Putin sẽ bị Nga coi là "lời tuyên chiến". Bản khai có tuyên thệ do ông Ramaphosa đưa ra là một phần trong phản ứng của chính phủ Nam Phi trước sức ép của đảng đối lập chính của đất nước nhằm buộc họ phải bắt giữ Nhà lãnh đạo Nga.