- Quá trình gia nhập liên minh quân sự NATO của Thụy Điển đã có một bước tiến lớn vào ngày hôm qua (10/7) sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý loại bỏ một trong những rào cản lớn cuối cùng để đổi lấy sự giúp đỡ trong việc khôi phục cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại các cuộc hội đàm ở thủ đô Vilnius của Litva - nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp NATO đang nhóm họp cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày hôm nay (11/7), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết đưa nghị định thư gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này ra trước Quốc hội “càng sớm càng tốt”, người đứng đầu NATO cho biết.
“Đây là một ngày lịch sử bởi vì chúng tôi đã có được cam kết rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đệ trình các văn kiện phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển vào NATO lên Đại hội đồng Quốc gia, đồng thời làm việc với hội đồng để đảm bảo việc phê chuẩn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho các phóng viên biết như vậy sau một loạt cuộc họp.
Quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển đã bị cản trở do sự phản đối từ năm ngoái của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nghị định thư gia nhập là một trong những bước cuối cùng của quy trình.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg đưa ra thông báo trên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva.
Ông Kristersson cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã tiến một bước rất lớn trên con đường tiến tới phê chuẩn hoàn toàn” việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Không có bình luận nào được đưa ra từ Tổng thống Erdogan về động thái nói trên – một động thái mà nhiều người cho là có liên quan một phần đến yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vấn đề khác, đặc biệt là mong muốn của Tổng thống Erdogan về việc các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ tư cách thành viên Liên minh châu Âu và các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Không rõ khi nào tư cách thành viên của quốc gia Bắc Âu này có thể được chấp thuận, nhưng thỏa thuận dường như đã đưa vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO, vốn chỉ tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và nguyện vọng trở thành thành viên của chính Kiev.
Trong một tuyên bố được phát đi, Tổng thống Biden hoan nghênh thỏa thuận và cho biết ông sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ “về việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là Đồng minh NATO thứ 32 của chúng tôi”.
Việc ông Biden đề cập đến mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự đồng ý với cam kết của Mỹ trong việc giúp Thổ Nhĩ Kỳ mua những chiếc chiến đấu cơ F-16 mới, một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ cho hay.
Chính quyền Tổng thống Biden đã ủng hộ mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua 40 chiếc F-16 mới cũng như các bộ thiết bị hiện đại hóa từ Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực này của Ankara đang vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ Mỹ trong Quốc hội, đáng chú ý nhất là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez. Những nước này đưa ra lý do phản đối là do Thổ Nhĩ Kỳ cản trở việc kết nạp Thụy Điển vào NATO, vấn đề nhân quyền, mối quan hệ của Ankara với Hy Lạp và những quan ngại khác.
Tuy nhiên, tại Washington, ông Menendez cho biết ông "tiếp tục thận trọng" về việc cung cấp máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chính quyền Tổng thống Biden có thể chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sử dụng F-16 một cách hiếu chiến chống lại các thành viên NATO khác, đặc biệt là nước láng giềng Hy Lạp, thì “có thể có một con đường phía trước,” ông Menendez đã nói như vậy với các phóng viên.