- Một số nhà lãnh đạo châu Phi đã đến Nga để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin khi ông chủ điện Kremlin được cho là đang tăng cường tìm kiếm đồng minh trong bối cảnh Moscow bị phương Tây cô lập vì cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine. Diễn biến này diễn ra sau khi Điện Kremlin cáo buộc các cường quốc phương Tây có những nỗ lực "gây phẫn nộ" nhằm gây sức ép buộc các nguyên thủ quốc gia châu Phi khác không tới tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Nga.
Tổng thống Nga Putin |
Tổng thống Putin đã coi hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày khai mạc vào hôm nay (27/7) tại thành phố St. Petersburg của Nga là một sự kiện lớn giúp Moscow củng cố mối quan hệ với lục địa 1,3 tỷ dân. Lục địa này đang ngày càng trở nên độc lập và quyết đoán trên vũ đài toàn cầu.
“Ngày nay, châu Phi đang ngày càng tự tin khẳng định mình là một trong những cực của thế giới đa cực mới nổi,” ông Putin phát biểu trong một tuyên bố do Điện Kremlin công bố. “Diễn đàn sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chính trị và nhân đạo của chúng ta trong nhiều năm tới.”
Tổng thống Putin hôm qua (26/7) đã có cuộc hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Trong cuộc hội đàm này, ông chủ điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tăng gấp ba số lượng sinh viên Ethiopia mà nước này tiếp nhận và trang trải chi phí giáo dục của họ.
Chính phủ Ethiopia đã chịu áp lực từ Mỹ và Chương trình Lương thực Thế giới sau khi Washington và chương trình này đưa ra quyết định bất thường là đình chỉ viện trợ lương thực cho Ethiopia vào đầu năm nay sau vì lý do phát hiện ra tình trạng hàng viện trợ bị đánh cắp. Mỹ cùng với Chương trình Lương thực thế giới đã tìm cách thúc đẩy những cải cách mà theo đó chính phủ Ethiopia từ bỏ quyền kiểm soát đối với việc phân phối viện trợ. Trong khi đó, các cơ quan giám sát cho biết nạn đói đang gia tăng ở những khu vực như vùng Tigray – những khu vực đang trong quá trình phục hồi sau hai năm xung đột.
Cuối ngày hôm qua, ông Putin cũng có cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, ca ngợi thương mại song phương ngày càng tăng giữa Nga và Ai Cập. Cụ thể, thương mại song phương giữa hai nước hiện tại chiếm đến khoảng 1/3 thương mại của Nga với châu Phi.
Tổng thống El-Sissi lưu ý rằng Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập và nhấn mạnh "đặc điểm quan hệ đặc biệt" giữa hai nước. Ông El-Sissi nói rằng: “Tôi chắc chắn rằng hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi sẽ đạt được những kết quả quan trọng.
54 quốc gia châu Phi tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên hợp quốc và khối này đã bị chia rẽ nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác về các nghị quyết của Đại hội đồng liên quan đến việc chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine.
Đây là hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai kể từ năm 2019. Số nguyên thủ quốc gia tham dự đã giảm từ 43 xuống còn 17 vì lý do mà Điện Kremlin miêu tả là “áp lực thô bạo” của phương Tây nhằm ngăn cản các quốc gia châu Phi tham gia hội nghị.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên án “sự can thiệp trơ trẽn của Mỹ, Pháp và các quốc gia khác thông qua các phái bộ ngoại giao của họ ở các nước châu Phi, và nỗ lực gây áp lực lên lãnh đạo của các nước này nhằm ngăn cản sự tham gia tích cực của họ vào diễn đàn” với Nga.
“Điều đó cực kỳ gây phẫn nộ, nhưng nó sẽ không ngăn cản thành công của hội nghị thượng đỉnh,” phát ngôn viên Peskov cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin - ông Yuri Ushakov cho biết trong khi chỉ có 17 nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, 32 quốc gia châu Phi khác sẽ được đại diện bởi các quan chức chính phủ cấp cao hoặc đại sứ.
“Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ các đối tác châu Phi của mình bằng mọi cách có thể để giúp họ củng cố chủ quyền quốc gia và văn hóa, đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu,” ông Putin đã nhấn mạnh như vậy trong tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.