- Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Luật Đất đai cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất lúa, đất rừng…; không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp…
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai, Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đặc biệt quan tâm đến các quy định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sang mục đích khác. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Anh, lúa gạo là một loại ngũ cốc cơ bản trong bữa ăn của đa số người châu Á cũng như ở Việt Nam, là cây lương thực chính, cây trồng chủ đạo trong nông nghiệp Việt Nam. Đất trồng lúa cũng là đất có cấu tạo và giá trị dinh dưỡng cao, phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành.
Mục tiêu đến năm 2030 nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định trên 3,5 triệu hecta đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo làm an ninh lương thực quốc gia, sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ, quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 15,8 triệu hecta, tỷ lệ che phủ rừng trên 42%.
“Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng thì cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng và phải được xác định cụ thể đến từng địa phương tới cấp xã.” – ĐB Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh.
Theo ĐB tỉnh Bắc Ninh, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu. Tuy nhiên, trước mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ được đặt ra hơn lúc nào hết.
“Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ "phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên". Nhưng, tại dự thảo luật nội dung này thể hiện còn khá mờ nhạt, tiêu chí chuyển mục đích trong dự thảo luật mới chỉ căn cứ mang tính hình thức mà chưa quy định tiêu chí về nội dung” - ĐB tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh |
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, ĐB Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, Dự thảo cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa và hạch toán đầy đủ, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế. Dự thảo luận dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung nhưng cần gom lại một chương về vấn đề này.
Thứ hai, tại Điều 122 Dự thảo luật, ĐB đề nghị không giao cho Chính phủ mà quy định ngay trong luật tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước.
Đề xuất một số tiêu chí, điều kiện đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ĐB Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, nhất là thực hiện dự án đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp chân chính, hiệu quả, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả, khả thi của dự án gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng. Có quy định về quy mô dự án gắn với điều kiện về tài chính phù hợp với diện tích đất trồng lúa, đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng, có phương án bóc tách tầng đất mặt của đất trồng lúa khi xây dựng công trình, không loại trừ bất kỳ dự án nào vì tầng đất mặt của đất trồng lúa là đất tốt, giàu dinh dưỡng, mất hàng trăm năm để hình thành nên cần được bảo vệ và sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, ĐB tỉnh Bắc Ninh đề nghị xem xét việc phân cấp, phân quyền có kiểm soát để tránh cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, suy giảm đa dạng sinh học.
“Tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng để phân cấp theo quy mô diện tích, chuyển mục đích sử dụng những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Quốc hội. Theo đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích các loại đất này bằng việc đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể, bổ sung quy định để hạn chế việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để tránh việc lách luật” - ĐB Nguyễn Thị Kim Anh nêu rõ.