- Trong một động thái chưa từng có, Nhật Bản đã thực hiện các bước mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo nhằm củng cố vị thế của nước này với phương Tây đồng thời đối phó với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và đáng lo ngại.
Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại thủ đô Tokyo. Nhật Bản - quốc gia chủ yếu dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, gần đây đã có những động thái nhằm củng cố quốc phòng và tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia phương Tây.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cấp cao Nhật Bản và là thành viên của Hạ viện Nhật Bản Kenji Wakamiya nói với Fox News Digital về tầm quan trọng đằng sau việc tăng cường mối quan hệ của Nhật Bản với NATO.
"Liên minh Mỹ-Nhật là cốt lõi trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với an ninh quốc gia. Để đối phó với tình hình quốc tế đang thay đổi, tôi tin rằng việc xây dựng một mạng lưới an ninh nhiều mặt bằng cách tăng cường hợp tác với NATO, đặc biệt là ở châu Âu, có ý nghĩa to lớn trong khi vẫn duy trì liên minh Mỹ-Nhật là cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia của chúng tôi."
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng dự kiến gặp những người đồng cấp từ Hàn Quốc, Australia và New Zealand tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva bắt đầu từ tuần này. Chương trình nghị sự bao gồm cách đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như việc Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác ở các đảo Nam Thái Bình Dương, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin.
“Cùng với việc thắt chặt quan hệ với NATO, thắt chặt quan hệ với Australia, New Zealand và Hàn Quốc sẽ củng cố mạng lưới an ninh ở Ấn Độ Dương, Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương,” ông Wakamiya nói thêm. Ông này nhấn mạnh, "điều quan trọng đối với Nhật Bản là tăng cường các mối quan hệ này."
"Tôi nghĩ rằng những quốc gia cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không nên bị đối đầu bởi một quốc gia đơn lẻ, mà nên bị ngăn chặn bằng cách xây dựng một mạng lưới an ninh nhiều lớp để cung cấp một mạng lưới an toàn rộng lớn hơn."
Mặc dù Thủ tướng Kishida đã tuyên bố rằng Nhật Bản không có kế hoạch gia nhập NATO, nhưng Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với tổ chức phòng thủ đa phương này hơn một năm nay. Thủ tướng Kishida trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên có bài phát biểu tại trụ sở NATO vào tháng 6 năm 2022 và phối hợp với NATO vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay.
Trung Quốc đã chú ý đến việc Nhật Bản thúc đẩy mở rộng quan hệ với NATO bằng cách thành lập một văn phòng liên lạc ở Tokyo. Đáp lại thông báo về ý tưởng thành lập văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Châu Á-Thái Bình Dương không hoan nghênh đối đầu nhóm, không hoan nghênh đối đầu quân sự", theo Reuters.
Ông Lance Gatling - một nhà hoạch định chiến lược đã nghỉ hưu của Quân đội Mỹ tại Nhật Bản và là cựu sĩ quan liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Văn phòng Tham mưu Liên hợp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nói với Fox News Digital rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn của Nhật Bản với NATO là một phương tiện giúp ngăn chặn Trung Quốc.
"Vào năm 2022, NATO đã đặc biệt coi Trung Quốc là 'thách thức mang tính hệ thống' trong Khái niệm chiến lược mới nhất của mình và mời Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand cũng như Australia tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, miêu tả những nước này là 'đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương'.