- Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Kiev "có khả năng" sẽ nhận được các máy bay chiến đấu F-16 từ các đồng minh của Washington ở châu Âu - những nước có thể có một số máy bay dự phòng. Mặc dù nhiều quốc gia NATO đã đề nghị đào tạo phi công lái F-16 cho Ukraine nhưng cho đến nay chưa có quốc gia nào cam kết cung cấp những chiếc chiến đấu cơ này cho Kiev.
“Về máy bay chiến đấu F-16, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định cách đây vài tuần, sau khi tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh, để bắt đầu đào tạo phi công Ukraine trên những chiếc máy bay đó,” ông Sullivan đã nói như vậy với người dẫn chương trình Good Morning America George Stephanopoulos từ Vilnius , Litva, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
“Việc đào tạo đó sẽ mất một thời gian, sau đó sẽ có việc chuyển giao F-16, có thể là từ các quốc gia châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa,” ông Sullivan nói thêm.
Máy bay chiến đấu F-16 được thiết kế vào những năm 1970 bởi General Dynamics và hiện đang được sản xuất hạn chế bởi Lockheed Martin.
Hồi đầu tuần, Đan Mạch đã công bố một “liên minh” sẽ đảm nhận việc đào tạo phi công lái chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, bắt đầu từ tháng 8. Liên minh này sẽ được dẫn dắt bởi Đan Mạch và Hà Lan, ngoài ra còn có Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển. Khoảng một nửa số quốc gia liên quan không thực sự vận hành F-16, trong khi không có quốc gia nào công khai cam kết gửi bất kỳ chiếc chiến đấu cơ F-16 nào cho Kiev.
Phát biểu với đài Radio Svoboda của chính phủ Mỹ, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết khóa huấn luyện “sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 8, có thể là đầu tháng 9”. Ông nói lý tưởng nhất là những chiếc F-16 đầu tiên do người Ukraine lái sẽ bay “vào cuối quý đầu tiên của năm sau”.
“Nhưng chúng tôi cần đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên, chúng tôi cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Có rất nhiều chi tiết, vì vậy lịch trình có thể thay đổi,” ông Kuleba nói thêm.
Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẽ coi F-16 ở Ukraine là mối đe dọa hạt nhân
Moscow đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh ngừng "bơm" vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc xung đột mà chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc gửi F-16 tới Ukraine sẽ là "sự leo thang không thể chấp nhận được" và cảnh báo phương Tây không nên "đùa với lửa".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow không thể bỏ qua khả năng hạt nhân của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế có thể được cung cấp cho Ukraine bởi lực lượng ủng hộ phương Tây.
Bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí tinh vi hơn cho Kiev, "Mỹ và các nước đồng minh NATO của họ tạo ra nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga và điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc", ông Lavrov cảnh báo trong cuộc phỏng vấn mới đây.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố, kế hoạch cung cấp F-16 cho Kiev là một ví dụ khác cho thấy động thái leo thang của phương Tây và bản thân nó là “một diễn biến cực kỳ nguy hiểm”.
"Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân - Mỹ, Anh và Pháp - rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của những chiếc máy bay đó", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Ông Lavrov cảnh báo: “Không có gì đảm bảo phương Tây sẽ giúp ích ở đây”. Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng trong bối cảnh giao tranh, quân đội Nga sẽ không điều tra xem liệu có bất kỳ máy bay phản lực cụ thể nào được trang bị để mang vũ khí hạt nhân hay không.
“Việc xuất hiện những hệ thống như vậy trong Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ bị chúng tôi coi là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, ông Lavrov nhấn mạnh.