- Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa lên tiếng tuyên bố Kiev sẽ không cần phải thực hiện Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) để trở thành một thành viên chính thức của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Đây là điều không giống với các ứng cử viên khác.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ "gửi đi một tín hiệu rõ ràng và tích cực" tới Kiev về mong muốn gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương của nước này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói như vậy với các nhà báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày ở Litva. Ông Stoltenberg gợi ý Ukraine sẽ có thể bỏ qua một trong các bước thông thường mà các ứng cử viên đều phải trải qua.
Người đứng đầu liên minh quân sự NATO đã đề xuất rằng các quốc gia thành viên “xóa bỏ yêu cầu về việc thực hiện Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP)” đối với Kiev. Điều này sẽ thay đổi lộ trình gia nhập NATO của Ukraine, “từ quy trình hai bước thành quy trình một bước,” ông Stoltenberg giải thích trong cuộc họp báo ngày hôm qua (11/7).
Theo người đứng đầu NATO, bỏ qua Kế hoạch Hành động Thành viên là một trong ba yếu tố được đưa ra trong chương trình nhiều năm được đề xuất cho Ukraine. Một vấn đề khác liên quan đến việc nước này xích lại gần tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu bằng cách đảm bảo “khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO”, nghĩa là Kiev sẽ chủ yếu sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất.
Kiev cũng sẽ bị ràng buộc với NATO về mặt chính trị thông qua một hội đồng Ukraine-NATO mới và cuộc họp đầu tiên của hội đồng này dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày hôm nay (12/7). Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết sự kiện trên sẽ có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.
Mỹ và Đức đã phản đối một số quốc gia như Ba Lan và các quốc gia Baltic khi những quốc gia này ủng hộ việc chấp nhận đơn đăng ký gia nhập liên minh của Kiev. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã nói với hãng tin CNN rằng Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập NATO.
“Tôi nghĩ chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đủ điều kiện gia nhập NATO,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc bỏ phiếu về vấn đề này là “quá sớm”.
Trong khi đó, Nga mới đây đã lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc rằng tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh quân sự NATO sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực đối với cấu trúc an ninh của châu Âu và Moscow sẽ đáp trả kiên quyết với bất kỳ bước đi nào như vậy.
Cảnh báo trên được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva – một hội nghị được tổ chức nhằm thể hiện tình đoàn kết của NATO với Ukraine trong khi liên minh này chưa chấp nhận kết nạp thêm Kiev làm thành viên.
"Các bạn biết lập trường hoàn toàn rõ ràng và nhất quán của Liên bang Nga rằng tư cách thành viên của Ukraine trong NATO sẽ gây ra những hậu quả rất, rất tiêu cực đối với cấu trúc an ninh – một cấu trúc an ninh vốn đã bị phá hủy một nửa ở châu Âu. Và đó sẽ là một mối nguy hiểm rất lớn, một mối đe dọa đối với đất nước của chúng tôi, điều này sẽ đòi hỏi chúng tôi phải có phản ứng đủ rõ ràng và kiên quyết", ông Peskov đã nói như vậy với các phóng viên.
Nga đã phát động cuộc chiến ở Ukraine vào năm ngoái – một cuộc chiến mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", sau khi tìm kiếm nhưng không đạt được cái mà họ gọi là "bảo đảm an ninh" từ phương Tây rằng nước láng giềng của họ sẽ không bao giờ được phép gia nhập NATO. Mỹ cho rằng Ukraine nên được tự do quyết định về việc tham gia các liên mình nào.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rõ rằng Kiev sẽ không trở thành thành viên của liên minh trong khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt và hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ không đưa ra lời mời chính thức nào cho Kiev.