- Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh, người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện...
Theo công an TP Hà Nội, xanh hóa phương tiện giao thông đã trở thành xu thế tất yếu để giảm tải gánh nặng cho môi trường và sức khỏe toàn cầu. Bên cạnh đó, trước thực trạng giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người dân chuyển sang dùng xe máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao...
Ảnh minh họa |
Vụ cháy mới nhất xảy ra tại một gia đình kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện vào rạng sáng ngày 19/7, ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội khiến 03 người tử vong, nhiều tài sản như xe đạp, xe máy điện và đồ dùng gia đình bị cháy, hủy.
Trước những nguy cơ về mất an toàn PCCC, nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong mua bán, lưu trữ và quá trình sử dụng các loại xe máy điện, xe đạp điện, cơ quan công an khuyến cáo người dân lưu ý một số nội dung sau:
Một số nguyên nhân gây cháy các loại xe máy điện, xe đạp điện:
- Trên bình acquy xe thường có những mối nối, nếu không được cách điện tốt có thể gây ra hiện tượng phóng điện dẫn đến cháy nổ hệ thống;
- Bình acquy kém chất lượng, khi hỏng sẽ khiến chì và acid trong bình tràn ra ngoài, gây cháy nổ rất nguy hiểm;
- Sử dụng và sạc bình acquy không đúng cách như sạc quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định, pin hoạt động quá tải trong thời gian dài sẽ sinh nhiệt cao, dẫn đến sự cố cháy nổ;
- Để xe máy điện có chứa bình điện ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao sẽ khiến xe dễ bị chập điện, gây hại đến hệ thống pin;
- Bình acquy không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng cháy nổ, pin nhanh xuống cấp;
- Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của ngoại lực, câu, độ chế trên xe khiến kết cấu của xe thay đổi, ảnh hưởng đến các dây điện, nguồn điện cũng có thể khiến xe bị chập cháy.
Một số cách sử dụng và biện pháp phòng tránh cháy nổ xe điện
* Đối với cơ sở kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện
- Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; thực hiện đầy đủ nghiêm túc biện pháp an toàn PCCC khi tiến hành hàn, cắt kim loại;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chấp hành nội quy, quy định về an toàn PCCC đối với khách hàng và nhân viên tại cơ sở, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy. Góp phần đảm bảo việc thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;
- Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; sắp xếp hàng hóa trong khu vực kho ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, chống cháy lan và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ. Đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong việc xuất, nhập hàng hóa. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát, không để các vật dụng che chắn lối thoát nạn trên hành lang, cầu thang của tòa nhà, không chèn, khóa cửa buồng thang, cửa ra thoát nạn;
- Khu vực để trưng bày xe điện các loại phải sắp xếp thành các hàng, dãy đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ;
- Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Kiểm tra, gia cố hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, lắp đặt bổ sung các thiết bị bảo vệ để kịp thời đóng ngắt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống âm thanh, ánh sáng đảm bảo an toàn PCCC;
- Niêm yết bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định; biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ (hay kho chứa xe điện các loại, chứa các bình ắc quy, hộp sạc,,,); niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn;
- Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất, cách âm...; phông màn, rèm cửa phải được xử lý bằng chất chống cháy;
- Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra;
- Nâng cao và duy trì thường xuyên công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC của cơ sở, đảm bảo sự hoạt động của hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động (nếu có), bình chữa cháy xách tay, công cụ phá dỡ, thoát nạn... để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra và hướng dẫn thoát nạn. Đầu tư kinh phí cần thiết cho hoạt động PCCC.
- Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC, hệ thống điện và các hệ thống kỹ thuật liên quan khác được trang bị tại cơ sở theo quy định, kịp thời thay thế các thiết bị cũ, hỏng, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh.
* Đối với người đân trong quá trình sử dụng xe đạp điện, xe máy điện
- Người dân khi mua xe đạp điện, xe máy điện cần đến địa chỉ có uy tín, chọn xe có chế độ bảo hành cùng đầy đủ tem kiểm định chất lượng, khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn, bảo dưỡng định kỳ. Khi xe có các dấu hiệu bất thường như sạc điện không vào, xe có mùi khét hay gặp những trục trặc khác phải mang xe đến cơ sở mua bán hoặc nơi sửa chữa uy tín để được kiểm tra.kiểm tra ngay.
- Đối với những người sở hữu, sử dụng xe đạp điện, xe máy điện cũng cần trang bị một kiến thức nhất định để bảo quản cho chiếc xe của mình đúng cách. Có như thế, chiếc xe của bạn mới có tuổi thọ cao và không gặp nguy hiểm khi vận hành, sử dụng chúng. Khi sử dụng xe người dân cũng nên thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
- Cần sạc đúng quy cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn hơn khi sử dụng. Khi bình có dấu hiệu phù, nứt,… cần thay thế ắc quy/pin mới. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho chiếc xe đạp điện của mình,chủ nhân của nó cần bảo quản ắc quy/pin đúng cách.
Cụ thể: Nên sạc khi pin/ắc-quy khi gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 08 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền; Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy; Không nên để xe ở những nơi có nhiệt độ cao dễ gây nổ và ảnh hưởng đến chất lượng của xe. Tránh để xe ở những nơi có ẩm ướt, độ ẩm cao khiến xe dễ bị chập điện, gây hại đến ắc quy/pin".
- Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).
- Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 03 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng hoặc thay mới.
- Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo, khi xảy ra nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Và thực hiện quy trình các bước xử lý: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết; Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy và Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.
P.Mai