Đề án phát triển giáo dục mầm non: Tăng tỷ lệ huy động, nâng cao chất lượng

0
0

Ngày 26/7, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 và lấy ý kiến góp ý hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Dự Hội nghị có Thứ trưởng Ngô Thị Minh; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Đinh Công Sỹ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số Bộ ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT; đại diện các tổ chức quốc tế.

Hơn 5 triệu trẻ em được chăm sóc trong các cơ sở giáo dục mầm non

Ngày 03/12/2018 Chính phủ ban hành Quyết định số 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025. Đề án này đã tạo dựng nền tảng, hành lang pháp lý vững chắc để đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

 

Báo cáo triển khai thực hiện Đề án, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết: Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Nghị định, 11 Quyết định, 14 Thông tư, Quyết định cấp Bộ. Các địa phương trong cả nước cũng đã tích cực tham mưu ban hành các kế hoạch, văn bản, cơ chế chính sách nhằm phát triển giáo dục mầm non tại từng địa phương.

Qua hơn 4 năm thực hiện Đề án, quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non tiếp tục được củng cố, phát triển, số trường mầm non tăng cao so với năm học trước. Cả nước hiện có 15.334 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non. Tổng số trẻ mầm non được đến trường và chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non là hơn 5 triệu trẻ em. Có 18/63 đạt và vượt chỉ tiêu về huy động trẻ đến 2025.

Toàn quốc đã bố trí đủ 1 phòng học/1 lớp , tỷ lệ kiên cố đạt 82,2% (vượt 2,2% so với mục tiêu đến năm 2025). Công tác xã hội hóa đối với giáo dục mầm non được quan tâm, triển khai. Toàn quốc có 3.224 trường mầm non ngoài công lập, tăng 1.099 trường so với năm học 2015-2016; có 15.749 cơ sở là các nhóm/lớp độc lập, tăng 1.195 cơ sở so với năm học 2015-2016.

Giai đoạn triển khai Đề án cũng là thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non và đội ngũ giáo viên đã nỗ lực gấp 2, 3 lần để đưa trẻ đến trường, chăm sóc giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ. Quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục; tham mưu và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên và trẻ em.

Theo thống kê, toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Đến tháng 12/2022, cả nước có 63/63 tỉnh/thành phố, 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 11.098/11.106 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 99,9%).

 

Toàn quốc có 99,1% trẻ em mầm non được tổ chức học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1.

Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao. Trẻ em người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1…

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên mầm non rất thấp.

Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ; đặc biệt là ở vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư. Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cấp học mầm non còn thiếu, cũ, hỏng nhiều và chưa đáp ứng yêu cầu dạy học.

Vẫn còn khoảng gần 500.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; còn gần 800.000 trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số chưa được tới trường, chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non.

Cần cơ chế, giải pháp đào tạo, tuyển dụng đủ giáo viên mầm non

Để khắc phục khó khăn, hạn chế và tiếp tục triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đề cập tới một số nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có giải pháp thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố; đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư; đầu tư phát triển mạng lưới, cơ sở vật chất; chính sách phát triển đội ngũ, có cơ chế, giải pháp đào tạo, tuyển dụng đủ giáo viên mầm non theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hợp tác đối với giáo dục mầm non.

Trao đổi về thực tế triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2023 tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Trên cơ sở Đề án của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025".

Quá trình thực hiện Đề án của Chính phủ và của tỉnh đã mang lại kết quả tích cực cho giáo dục mầm non của tỉnh Bắc Ninh. Tính đến năm học 2022-2023, so với mục tiêu đề án của Chính phủ, Bắc Ninh cao hơn 10,2% tỷ lệ huy động nhà trẻ, cao hơn 4,98% tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo; tỷ lệ ngoài công lập ở nhà trẻ cao hơn 1,9%. 100% số cơ sở giáo dục mầm non, số nhóm, lớp, số trẻ được học 2 buổi/ngày; hàng năm tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 0,3% - 0,7%.

Với nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển đội ngũ giáo viên trong bối cảnh thiếu giáo viên là khó khăn của nhiều địa phương, Bắc Ninh là một trong những địa phương cơ bản đảm bảo định biên giáo viên/nhóm, lớp, với tỷ lệ từ 2,05 - 2,15 giáo viên nhà trẻ/nhóm và 1,89 -1,93 giáo viên mẫu giáo/lớp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh báo cáo tại Hội nghị
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh báo cáo tại Hội nghị

Chia sẻ về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Long An Nguyễn Hồng Phúc cho biết: Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Long An còn thiếu 1.365 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 273 giáo viên. Tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức biên chế giáo viên theo quy định. Dự báo đến năm 2025, số lượng giáo viên cần bổ sung là 2.314 người.

Khắc phục tình trạng này, tỉnh Long An đã triển khai một số giải pháp như: Thực hiện quy trình tiếp nhận viên chức, xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung viên chức; thực hiện hợp đồng ký hợp đồng dưới 12 tháng với giáo viên; thực hiện đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 đến năm 2025 là  4.300 giáo viên các cấp học. Đồng thời cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý như: thực hiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo…

Phó Giám đốc Sở GDĐT Long An kiến nghị: Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức; quan tâm chính sách tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục để đội ngũ an tâm công tác, gắn bó với nghề. Bộ GDĐT tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ viên chức mới tuyển dụng đặc biệt là giáo viên mầm non và viên chức nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để địa phương ổn định đội ngũ.

Có giải pháp thu hút giáo viên mầm non, tiếp tục tăng biên chế giáo viên cho các địa phương, đảm bảo đủ biên chế giáo viên/nhóm lớp, không giảm biên chế cơ học với ngành giáo dục, tăng thu nhập cho giáo viên mầm non, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo viên ở các vùng khó khăn… là đề nghị chung của đại diện nhiều địa phương tại Hội nghị.

Để tiếp cận được với chương trình giáo dục mầm non mới dự kiến sẽ triển khai trong thời gian sắp tới, đại diện Sở GDĐT Đắk Lắk đề nghị có chương trình bồi dưỡng giáo viên đi trước và đáp ứng yêu cầu, tránh được những hạn chế trong bồi dưỡng giáo viên của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Cần có giải pháp căn cơ để giáo dục mầm non ngày càng phát triển bền vững”, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GDĐT Phú Yên Trần Ngọc Hiệp đề xuất.

Nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục mầm non

Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ nhận định: Dù đã có nhiều chính sách cho giáo viên, học sinh bâc học mầm non, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đời sống. Cơ sở vật chất, trường lớp ở bậc học mầm non cũng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ huy động vẫn còn thấp… Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đồng thời cho biết: Uỷ ban tới đây sẽ tổ chức một hội nghị riêng về giáo dục mầm non, trong đó tập trung vào những vấn đề khó khăn “cốt yếu” nhất của bậc học này hiện nay để đề xuất giải pháp khắc phục.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, chủ động của các địa phương trong triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; trong đó công tác tham mưu, phối hợp được các địa phương coi trọng, nhiều hoạt động sáng tạo đã được địa phương triển khai, các kết quả đạt được đã bám sát các mục tiêu của Đề án. Thứ trưởng cũng ghi nhận sự chủ động, tích cực từ các đơn vị Bộ GDĐT và sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể trong triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

Sau hơn 4 năm triển khai, dù đã đạt được nhiều kết quả song theo Thứ trưởng, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đặc biệt tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của bậc học mầm non. “Nhận thức của xã hội cần nâng cao hơn nữa về giáo dục mầm non”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội nghị

Khẳng định “Đề án có thành công hay không, vai trò của đội ngũ giáo viên vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non, đồng thời chia sẻ, đồng hành với giáo viên trong điều kiện giáo viên còn nhiều khó khăn về thu nhập, điều kiện làm việc như hiện nay.

Đối với Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện. Theo đó, bám sát các chỉ tiêu trong Chương trình để có giải pháp triển khai phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.