- Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) do Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào, nghĩa trang Truông Bồn tỉnh Nghệ An và Ngã ba Đồng Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn ĐHQGHN đã dâng hương bày tỏ nỗi niềm xúc động và tri ân sâu sắc, đời đời ghi nhớ công lao và biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ.
Dâng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào, đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào tại thị trấn Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi đây an nghỉ hơn 11.000 liệt sỹ.
Đến thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, đoàn đã thành kính bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Địa danh này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tuyến đường độc đạo, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn. Trong đó, ngôi mộ tập thể 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng hy sinh tại nơi đây ngày 31 tháng 10 năm 1968, chứng tích hào hùng ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung trong lúc đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông.
Đoàn cũng đã tri ân sự hy sinh cao cả của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc và tập thể lực lượng thanh niên xung phong trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Trong dịp tri ân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, ĐHQGHN luôn tưởng nhớ thế hệ các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN) đã tham gia chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đầu năm 1979, trước hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của đất nước, hơn 300 cán bộ, sinh viên của Trường lại lên đường nhập ngũ; hơn 1.000 cán bộ, sinh viên tham gia xây dựng Phòng tuyến Sông Cầu bảo vệ Thủ đô với phiên hiệu Trung đoàn 10 - Đoàn Nguyễn Huệ.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc; nhiều người đã ngã xuống trên chiến hào, làm nên một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao, ... Tên tuổi của họ mãi mãi ghi vào truyền thống lịch sử của Nhà trường, như một Thiên Anh hùng ca của những năm tháng kháng chiến mà mọi thế hệ sinh viên tiếp theo không thể quên.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều chiến sĩ (trong số đó, không ít người mang thương tích trên mình) lại trở về trường học tập. Họ trở thành những cán bộ công tác ở nhiều lĩnh vực. Rất nhiều người trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng Đất nước Việt Nam.
PV