Chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận nhận hối lộ

0
0

Bị cáo Hương Lan xác nhận đã nhận hối lộ của 8 doanh nghiệp gồm các công ty: An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Vitrato, Bluesky, Lữ Hành Việt, Thuận An với tổng số 25 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 13/7, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu,” cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan đã bất ngờ thừa nhận hành vi nhận hối lộ và nội dung cáo trạng truy tố là đúng

Tại phiên tòa, bị cáo Hương Lan khai rằng việc tổ chức cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước là công tác bảo hộ công dân, thuộc Phòng Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự.

Về quy trình, hồ sơ cấp phép chuyến bay được gửi đến Cục Lãnh sự, bộ phận văn phòng sẽ đưa về Phòng Bảo hộ công dân. Phòng sẽ tập hợp các yêu cầu của doanh nghiệp lập thành danh sách tổng hợp.

Trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ 5 Bộ đã thống nhất trước đó, Phòng Bảo hộ công dân sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chí, đề xuất danh sách các doanh nghiệp rồi đưa lên cho Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự phụ trách.

Cụ thể, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự) sẽ xem trước và điều chỉnh. Nếu hoàn chỉnh sẽ đưa lên cho bị cáo Lan để bị cáo báo cáo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cấp phép chuyến bay bao gồm yếu tố như địa bàn đông công dân bị mắc kẹt được ưu tiên, các địa phương phải có văn bản tiếp nhận công dân, không dồn nhiều quá một thời điểm vào một địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam có nhu cầu về nước đang kẹt ở nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện trọn gói cho công dân.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan thừa nhận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo có gặp và nhận quà, tiền của một số doanh nghiệp.

Bị cáo trình bày: ''Dù không nhớ rõ nhưng bị cáo cũng rất tin tưởng vào Cơ quan điều tra, tin tưởng vào nội dung cáo trạng. Bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng.''

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, đến tháng 7/2021 được bổ nhiệm làm Cục trưởng được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng, Thứ trưởng duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, tám cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bị cáo Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay nhanh chóng.

Trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhiều lần nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 33 lần, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, bị cáo Hương Lan không thừa nhận số tiền 25 tỷ đồng mà chỉ khai nhận 900 triệu đồng và một số quà cáp.

Tại phiên xử sáng 13/7, bị cáo Hương Lan thừa nhận toàn bộ số tiền như cáo trạng đã truy tố. Chủ tọa phiên tòa đã xác nhận với bị cáo Hương Lan các lần nhận tiền, doanh nghiệp đưa tiền…

Bị cáo Hương Lan xác nhận đã nhận hối lộ của 8 doanh nghiệp gồm các công ty: An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Vitrato, Bluesky, Lữ Hành Việt, Thuận An.

Bị cáo Hương Lan thừa nhận như cáo trạng truy tố là đúng. Bị cáo đã 11 lần nhận tổng số 13,2 tỷ đồng từ bị cáo Hoàng Thị Mơ, nhận 4 lần của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy số tiền 2,2 tỷ đồng, nhận 2 lần với tổng số 20.000 USD của bị cáo Lê Văn Nghĩa, nhận 3 lần với tổng số 55.000 USD của bị cáo Trần Thị Mai Xa, nhận 8 lần với tổng số 5,9 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng…

Tổng cộng, quá trình cấp phép các chuyến bay, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp, với tổng số 25 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2023, gia đình Nguyễn Thị Hương Lan đã nộp 900 triệu đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan thừa nhận sai phạm và bày tỏ sự ăn năn khi việc nhận tiền này là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá chuyến bay, gây thiệt hại cho công dân, làm mất uy tín của Nhà nước.

Bị cáo Hương Lan gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, cơ quan và công dân vì những sai phạm của bị cáo.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:

21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”

23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."

4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."

1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.