- Bình luận trên được Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra trước thềm cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng giữa Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky với các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra của liên minh ở Litva ngày hôm qua (12/7).
Ngoại trưởng Lavrov |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Kompas của Indonesia trước các cuộc gặp với những người đồng cấp Đông Nam Á tại Jakarta trong tuần này, Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây vì đã ủng hộ Ukraine.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã nói về cuộc xung đột Ukraine như sau: “Cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi phương Tây từ bỏ kế hoạch duy trì sự thống trị và nỗi ám ảnh về việc gây thất bại chiến lược cho Nga dưới bàn tay của con rối của họ - Kiev”.
"Không có dấu hiệu thay đổi quan điểm của họ và chúng ta đang chứng kiến cách Mỹ và tay chân của họ liên tục bơm vũ khí vào Ukraine đồng thời thúc đẩy Tổng thống Zelensky tiếp tục chiến đấu."
Ông Lavrov dự kiến sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á và các cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thuộc Diễn đàn Khu vực ASEAN vào ngày mai (14/7) cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Lần gần đây nhất hai vị quan chức này gặp nhau là vào tháng 3 tại một cuộc họp của G20 ở Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến II khi ông ra lệnh tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Kể từ đó, hơn 150.000 người đã thiệt mạng và bị thương ở cả hai bên, theo ước tính của phương Tây.
Quay sang Indonesia, ông Lavrov ca ngợi cái mà ông gọi là chính sách đối ngoại độc lập của Jakarta đối với cuộc xung đột.
Tổng thống Joko Widodo là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến thăm cả Moscow và Kiev sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết các quốc gia phương Tây đang "phớt lờ các sáng kiến đến từ các nước đang phát triển" sau khi Kiev không chấp nhận đề nghị làm trung gian hòa giải của Tổng thống Widodo hoặc đề xuất gây tranh cãi của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia rằng tổ chức trưng cầu dân ý ở các khu vực bị chiếm đóng ở miền đông Ukraine.
Các nhà lãnh đạo NATO đã tuyên bố sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh rằng "tương lai của Ukraine là ở NATO", và rút ngắn quá trình cuối cùng mà Kiev sẽ phải trải qua để gia nhập liên minh.
Nhưng họ không đưa ra mốc thời gian về tư cách thành viên tương lai của Ukraine, phản ánh những lo ngại ở Washington về việc bị kéo vào một cuộc xung đột hạt nhân với Nga.
Trong một nỗ lực nhằm trấn an Tổng thống Zelensky, các quốc gia G7 dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố về cách họ sẽ giúp Ukraine đánh bại Nga và ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn mới nào trong những năm tới.
Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã gửi vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la cho Kiev để giúp nước này chống lại Nga.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh của NATO kết thúc ở Litva, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng cho rằng liên minh Bắc Đại Tây Dương dự định sử dụng Ukraine như một đại diện cho cuộc chiến bất tận trong khi mở rộng sang Bắc Cực và châu Á để theo đuổi các mục tiêu thuộc địa mới.
“’Tập thể Phương Tây’” do Mỹ lãnh đạo không sẵn sàng chấp nhận sự hình thành của một thế giới đa cực và có ý định bảo vệ quyền bá chủ của mình bằng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả quân sự,” Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ như vậy trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.
Theo Moscow, cái mà phương Tây gọi là “trật tự dựa trên luật lệ” chẳng qua chỉ là “giấy phép mà họ tự cấp cho mình để vi phạm luật pháp quốc tế” và không liên quan gì đến Liên Hợp Quốc - tổ chức mà NATO thường xuyên viện dẫn.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Những thành tựu của NATO ai cũng biết: sự bất ổn ngày càng gia tăng, sự tàn phá của các quốc gia, chủ nghĩa khủng bố tràn lan, tội ác chiến tranh gây ra mà không bị trừng phạt, máu của dân thường, bao gồm cả trẻ em và dòng người tị nạn vô tận”.