- Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani hôm qua (27/7) cho biết, chấm dứt xung đột Nga-Ukraine có nghĩa là cứu được “hàng nghìn” người sống dựa vào ngũ cốc và các sản phẩm khác được xuất khẩu từ khu vực Biển Đen.
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi kéo dài hai ngày tại St. Petersburg, ông Assoumani đồng thời là Tổng thống Comoros đã kêu gọi "sự chung sống hòa bình" giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc năm 2022.
“Hôm nay tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông báo rằng với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, tương lai của mối quan hệ đối tác này sẽ bị đe dọa nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Do đó, chúng ta cần tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng để cố gắng cứu hàng nghìn người phụ thuộc vào những mặt hàng nhập khẩu này,” ông Assoumani cho biết.
“An ninh lương thực kinh tế của châu Phi sẽ đặc biệt nguy cấp do lục địa này bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc tăng giá lương thực do nguồn cung bị gián đoạn. Chúng tôi kêu gọi… các bên liên quan tìm ra một nền tảng trung gian để đảm bảo vận chuyển ngũ cốc và phân bón an toàn từ Ukraine và Nga tới lục địa của chúng tôi”, Chủ tịch Liên minh châu Phi phát biểu.
Đầu tháng này, Moscow đã từ chối gia hạn thỏa thuận do quốc tế làm trung gian, được ký kết vào tháng 7 năm 2022 để tạo điều kiện nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, trước đó đã bị gián đoạn do giao tranh.
Theo Điện Kremlin, các nước phương Tây đã không thực hiện thỏa thuận khi không dỡ bỏ những trở ngại đối với việc vận chuyển phân bón và thực phẩm từ Nga. Mặc dù những mặt hàng xuất khẩu này không trực tiếp rơi vào lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng Moscow khẳng định rằng những hạn chế lớn hơn đối với các ngân hàng, hậu cần và bảo hiểm của Nga khiến việc vận chuyển trở nên bất khả thi.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng “ngay lập tức” trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngũ cốc nếu các mối quan ngại của họ được giải quyết. Phát biểu tại St. Petersburg ngày hôm qua, Nhà lãnh đạo Nga cam kết rằng Moscow sẽ cung cấp ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia nghèo nhất châu Phi.