- Giải Bơi cứu đuối Thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc “Đường đua xanh” năm 2023 do Cục Thể dục thể thao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, đã chính thức bế mạc sau 4 ngày thi đấu (17 - 22/7) tại bể bơi Yết Kiêu, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.
Giải đấu thu hút hơn 500 vận động viên đến từ 32 đơn vị thuộc 18 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 6 nội dung kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và 36 nội dung bơi của từng nhóm tuổi. Năm nay, giải đấu với các nội dung thi được xếp theo 6 nhóm tuổi từ 6 đến 18 trở lên, tranh tài ở nhiều kiểu bơi như bơi tự do, bơi ếch, bơi ngửa, bơi và dìu người bị nạn.
Đây là một những hoạt động thường niên góp phần phát triển phong trào tập luyện bơi, lặn, các kỹ năng an toàn, kỹ năng phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi và cộng đồng; từ đó giúp các em nhỏ rèn luyện ý chí bền bỉ cùng thể thao, chuẩn bị hành trang cho một hành trình “có chí thì nên” của các em sau này.
Đại diện cho Nhà tài trợ - ngành hàng MILO, bà Philomena Tan chia sẻ: “Đồng hành cùng Giải Bơi cứu đuối Thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc “Đường đua xanh” là một trong những nỗ lực của Nestlé MILO nhằm giúp các em trang bị kỹ năng cứu đuối và phòng, chống tai nạn đuối nước bên cạnh những kỹ năng sống khác. Khi tham gia các sân chơi dưới nước nói riêng và thể thao nói chung, trẻ không chỉ hình thành các kỹ năng sinh tồn cần thiết, mà còn nâng cao sức khỏe thể chất và rèn luyện ý chí bền bỉ cho bản thân thông qua những trải nghiệm thi đấu, luyện tập thể thao.
Hiện nay, bên cạnh việc trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước thì môi trường sống xung quanh các em không an toàn do các sông, suối, ao, hồ, giếng nước, các hố đào sâu của công trình xây dựng, các khu nuôi trồng nông nghiệp, cà phê, tiêu,…không có rào chắn, che đậy; tình hình mưa lũ ở nhiều vùng diễn biến phức tạp, bất thường và kéo dài khiến cho nhiều trẻ em và người dân không kịp ứng phó; trẻ em ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn do hoàn cảnh gia đình nghèo không những không được người lớn quan tâm trông coi, giám sát đầy đủ mà còn phải đi làm việc trong các môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước; học sinh, trẻ em nhiều nơi đi học phải di chuyển trên sông nước nhưng thiếu phương tiện giao thông đường thủy an toàn; việc dạy bơi cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu bể bơi, thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, đặc biệt tại các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi. Vì vậy, việc phát triển phong trào Thanh thiếu nhi, học sinh tập luyện môn bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước là giải pháp cấp thiết để giảm thiểu tình trạng đuối nước.