Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Việt Nam đã giảm gần 100 lần

0
0

 - Theo thống kê về dịch COVID-19 tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong (chết/mắc) năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1% và từ đầu năm 2023 đến nay là 0.02% (giảm 93 lần so với năm 2021). Các ca tử vong mới đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước…

covid hà nội
 Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội năm 2021

Chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo.

Cùng tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các thành viên của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại phiên họp, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (92,1%). Số mắc trung bình hàng tháng năm 2021 là 144.000 ca, năm 2022 là 816.000 ca; tỉ lệ tử vong (chết/mắc) năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong (chết/mắc) giảm mạnh xuống còn 0,02%.

Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19.

Từ ngày 23-29/5/2023, số ca nặng giảm 27,4% so với tuần trước, hiện còn 1.898 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 35 ca bệnh nặng đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện các tuyến. Hiện nay tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B, như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Đến nay, tổng số liều vaccine đã tiêm là hơn 266 triệu. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.

Theo WHO, tính đến ngày 29/5/2023, thế giới đã ghi nhận trên 689 triệu ca mắc, hơn 6,8 triệu ca tử vong. trên thế giới mỗi tuần vẫn ghi nhận hàng triệu ca nhiễm hoặc tái nhiễm, hàng trăm nghìn ca nhiễm phải nhập viện, hàng nghìn người tử vong, ngoài ra ước tính cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca dẫn đến tình trạng hậu COVID-19, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể gây ra những đợt dịch bùng phát mới.

Ngày 5/5/2023, WHO công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

Ngày 6/5/2023, Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến nghị đối với Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến các đại biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.

Nhìn lại 3 năm phòng, chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô toàn quốc, với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ và kéo dài suốt từ đầu năm 2020 tới nay.

Tuy nhiên, chúng ta đã thành công trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19, đi sau nhưng về trước trong công tác này. Điều này có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.

"Thắng lợi này là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan tới việc công bố hết dịch; tiếp tục nghiên cứu 7 khuyến cáo của WHO, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình mới, nhất là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là hàng nghìn trẻ em mồ côi; tôn vinh, khen thưởng những người có công, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách với những người tham gia phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, trục lợi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiến hành tổng kết công tác phòng, chống dịch trong tháng 6, từ đó rút ra các bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch để không bị động, bất ngờ; hướng dẫn các bộ ngành, địa phương; rà soát, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan; hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch COVID-19 có thể quay lại; tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vaccine COVID-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề, các công việc tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp.

Sau 20 kỳ họp, Ban Chỉ đạo quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ và thời gian tới sẽ được kiện toàn phù hợp tình hình.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Tắt sóng 2G: Thuê bao VinaPhone sẽ không bị bỏ lại phía sau

(VnMedia) - Nhằm giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi sử dụng và dễ dàng trải nghiệm các tiện ích số, VinaPhone dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu tăng vọt

(VnMedia) - Các nhà nghiên cứu blockchain TRM Labs hôm 5/7 cho biết, số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong sáu tháng năm 2024 so với năm trước đó.

Cuối tuần, giá vàng đột ngột tăng rất mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (6/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York bất ngờ bật tăng mạnh mẽ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục vượt xa mức 76 triệu đồng/lượng.

Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến: Người dùng nói gì?

(VnMedia) - Báo cáo nghiên cứu của Cốc Cốc dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng từ ngày 01/7 - 04/7/2024 đi sâu phân tích “phản ứng” của người dùng, cũng như những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định mới này…

Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024

(VnMedia) - Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.