- Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị và vệ sinh theo đúng hướng dẫn, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ bị tay chân miệng tăng đề kháng và mau hồi phục.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 03 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đề nghị cần tăng cường công tác điều trị tay chân miệng.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được chăm sóc vệ sinh và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị tốt, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.
3 nhóm thực phẩm giúp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nâng cao sức đề kháng, nhanh khỏi bệnh - Ảnh 2.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường rất khó chịu, biếng ăn.
Theo ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được khám điều trị và theo dõi chặt chẽ để phát hiện và can thiệp sớm nếu có biểu hiện nặng. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng và các điều trị hỗ trợ. Trường hợp trẻ bị nhẹ có thể điều trị tại nhà. Cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi.
Trước hết cần cho trẻ ăn đủ các chất dinh dưỡng, bao gồm 4 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Ăn phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, ưu tiên thức ăn hợp khẩu vị để trẻ ăn được nhiều hơn, không nên kiêng khem để cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng.
Nên cho trẻ tăng cường ăn thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao, dễ tiêu hóa như thịt, cá, trứng, sữa…
Các món ăn cần được thái nhỏ, nấu mềm, lỏng để trẻ dễ nhai, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như các món súp, món hầm, cháo, sữa… Những món ăn này giàu dinh dưỡng, chứa nhiều nước giúp cung cấp tân dịch cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do trẻ sốt đồng thời cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.
Nên thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh để trẻ sợ phải ăn nhiều và hạn chế nôn trớ. Đối với trẻ còn bú nên duy trì bú mẹ và cho trẻ bú thành nhiều lần.
Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm đau do các vết loét. Có thể uống nước lọc, sữa, nước dừa tươi…
Tránh ăn các thức ăn chiên xào có nhiều dầu mỡ, đồ nướng, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều gia vị cay nóng…
Các thực phẩm nên ăn:
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, kẽm… sẽ giúp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nâng cao sức đề kháng, chống nhiễm trùng và nhanh lành các tổn thương như các vết loét miệng.
- Thực phẩm giàu kẽm: Kẽm là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm rất phong phú như: sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, gan lợn, tôm, lươn, hàu, sò, đậu nành, các loại hạt…
- Thực phẩm giàu vitamin A: Ngoài tác dụng bảo vệ mắt, vitamin A còn có một vai trò không thể thiếu đối với hệ miễn dịch. Vitamin A giúp bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Nghiên cứu cũng cho thấy, vitamin A có thể hỗ trợ chữa lành vết thương, thúc đẩy sửa chữa mô và tái tạo tế bào.
Vitamin A có nhiều trong: thịt gia cầm, gan động vật, cá, tôm, lòng đỏ trứng, sữa...; các loại rau lá xanh đậm hay các loại củ quả có màu vàng đỏ như: gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ…
- Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong bữa ăn nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau quả: rau ngót, rau giền, rau đay, mồng tơi, cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu…
Phụ huynh cũng cần lưu ý tuy vitamin C có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, chống dị ứng nhưng bố mẹ không nên cho trẻ ăn loại trái cây có vị chua nhiều như chanh, cam... vì có thể làm trẻ có cảm giác bị rát miệng khi ăn. Thay vào đó, bé có thể bổ sung loại trái cây có vị ngọt nhẹ khác như dưa hấu, xoài,...
Khi trẻ đang bị chân tay miệng không nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu arginine như nho khô, các loại hạt, lạc (đậu phộng), chocolate... |
Các thực phẩm nên kiêng:
Các loại thực phẩm giàu arginine: gồm các thực phẩm như nho khô, các loại hạt, lạc (đậu phộng), chocolate... Arginine được biết đến là một loại axit amin có thể khiến virus sản sinh nhiều hơn. Việc này không có lợi đối với sức khỏe của bé bị tay chân miệng.
Các loại thức ăn cứng, cay nóng hay được nêm nếm quá mặn: trẻ bị tay chân miệng thường nổi nốt ban loét ở niêm mạc miệng. Việc cho trẻ ăn thực phẩm cay, nóng sẽ làm cho vết loét bị kích ứng mạnh hơn, khiến bé cảm thấy đau rát, khó chịu, vết loét cũng khó lành. Mẹ nên cho trẻ ăn hơi mát, xay nhuyễn nếu cần. Phụ huynh không nên ép trẻ ăn, ngay cả những món trẻ yêu thích.
Các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Các loại thực phẩm này khiến da của bé tiết dầu nhiều hơn, vô tình làm cho tình trạng nốt ban trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này thường khó tiêu hóa, trẻ hấp thụ chậm và không tốt với sức khỏe của trẻ đang bị bệnh. Ngoài ra, ba mẹ tuyệt đối không dùng thực phẩm mà bé từng bị dị ứng, hoặc đồ ăn lạ.