- Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tăng cao, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh TCM trên địa bàn TP theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc TCM, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán TCM độ 4 và có xét nghiệm EV71 dương tính.
Trẻ em bị bệnh chân tay miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM |
Tương tự diễn tiến chung của khu vực phía Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận số ca mắc tại TP bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Trong 23 tuần đầu năm, số ca mắc tích lũy của TP là 2.407 ca; chưa ghi nhận ca tử vong.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn theo 3 kịch bản ứng phó các trường hợp nặng (từ độ 2A trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Tình huống thứ nhất - dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Với tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng cần là hơn 200, trong đó 30 giường hồi sức tích cực. Ưu tiên tập trung điều trị cho trẻ mắc bệnh tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của TP HCM.
Tình huống thứ hai - khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100, 200-700 ca điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện. Lúc này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi tay chân miệng được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Tình huống thứ ba - khi có từ 100-200 ca nhập viện mới mỗi ngày, 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng. Lúc này, tổng số giường điều trị cần chuẩn bị là 1.400 với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Trẻ mắc bệnh nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Hệ thống y tế tiến hành phân loại trẻ điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ, hạn chế tử vong.
Sở Y tế TP cho biết, bên cạnh việc khuyến cáo các đơn vị khẩn trương dự trù thuốc và dịch truyền, trang thiết bị - vật tư y tế cho các kế hoạch ứng phó nêu trên, hiện Sở Y tế cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và Sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị TCM để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.
Ngoài công tác điều trị tích cực cho người bệnh, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn điều trị tay chân miệng cho bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh trong khu vực, không để xảy ra các trường hợp chuyển bệnh không an toàn từ tuyến tỉnh về TP HCM.
Sở Y tế TP HCM cũng yêu cầu 3 bệnh viện Nhi Đồng của TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải trình tự gene xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của các bệnh nhân tay chân miệng.
PV