- Chiều ngày 14/6/2023, Bộ Y tế đã tổ chức buổi Toạ đàm - trao đổi về truyền thông y tế nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023).
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ gần 500 nghìn cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước, trân trọng gửi lời chúc mừng đến các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, cán bộ nhân viên công tác tại cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp.
Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí nói chung và các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên phụ trách theo dõi ngành Y tế nói riêng.
"Chúng tôi luôn khắc sâu hình ảnh các nhà báo không nề hà hiểm nguy, xông pha tới các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19, các địa điểm cách ly, tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm… để phản ánh tới công chúng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành Y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Tôi mong muốn thời gian tới, đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, cán bộ nhân viên công tác tại cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng ngành Y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tốt hơn nữa"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự tọa đàm (Ảnh: MOH) |
Tại buổi tọa đàm, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế đã giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên cơ quan Trung ương liên quan đến một số nội dung như: tình hình tiêm chủng vắc xin; về việc đưa vào sử dụng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức; về chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang B…
Thông tin tại buổi tọa đàm về một số kết quả công tác y tế nổi bật trong Quý II năm 2023 của Bộ Y tế, TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ kiêm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế đã và đang tích cực hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý tham mưu, trình Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản chính sách về y tế nhằm bổ sung, hoàn thiện để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển ngành Y tế.
Về công tác khám bệnh, chữa bệnh: hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới…
Về lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế: Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, cụ thể:Tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc; Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; Ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; Tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép; Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan;Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ; Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá;Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, công chức y tế; Thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; Khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước,…Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.
“Kết quả từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15. Cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm; hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Đồng thời, gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024; cấp số lưu hành hơn 44.000 trang thiết bị y tế (loại A: 27.847 hồ sơ; loại B: 14.508 hồ sơ; loại C, D: 1.673 hồ sơ)”- TS.BS.Hà Anh Đức thông tin thêm.