- Mới đây, cả Việt Nam, Indonesia và Úc đều đã ghi nhận những tiến triển về mặt ngân sách cũng như chính sách dành cho các hoạt động phòng chống biến đổi khí hậu.
Tại Đông Nam Á, Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) được công bố vào cuối năm 2022 ở Việt Nam và Indonesia thể hiện cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi carbon thấp trong khu vực. Thỏa thuận này mang lại nguồn tài chính lớn cho Việt Nam và Indonesia - lần lượt là 15,5 tỷ USD và 20 tỷ USD, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc loại bỏ than đá, đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang công nghiệp hóa.
Liên quan đến việc này, tổ chức Climateworks đã và đang nghiên cứu thiết kế một khung pháp lý tổng thể để minh họa cho một kế hoạch thực hiện JETP hiệu quả dựa trên nhận định của chuyên gia quốc tế về các tác động chính sách. Climateworks Centre là trung tâm cố vấn độc lập với mục tiêu hỗ trợ Úc, Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong việc chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trung tâm này được sáng lập bởi Đại học Monash (Úc) và Quỹ Myer và hoạt động trong Viện Phát Triển Bền Vững Monash.
Tại Indonesia, chính phủ đã thông báo rằng thị trường carbon của nước này mở cửa chào đón các nhà đầu tư quốc tế. Điều này giúp đảm bảo rằng Indonesia sẽ trở thành nguồn tín dụng carbon đáng tin cậy. Còn tại Úc, kể từ khi quốc gia này ban hành mục tiêu phát thải ròng, đây là lần đầu tiên ngân sách liên bang đầu tư hơn 4,5 tỷ AUD để phòng chống biến đổi khí hậu và được dự báo sẽ gia tăng thêm trong tương lai.
Climateworks Centre cũng nhận định Úc đã có một số khoản chi đầy hứa hẹn cho việc phòng chống biến đổi khí hậu, bao gồm hỗ trợ hydro tái tạo, gói tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình và đặc biệt là việc thành lập Cơ quan Chuyển đổi Phát thải ròng (Net Zero Transition Authority).
Sự ra đời của Cơ quan chuyển đổi Phát thải ròng đã lấp đầy chỗ trống trong các chương trình hành động về chống biến đổi khí hậu. Với tổ chức hợp tác này, Úc có thể nhanh chóng vượt thành tích đối với mục tiêu giảm phát thải hiện tại và đóng góp cho nỗ lực giảm phát thải toàn cầu.
Để tăng hiệu quả phối hợp giữa các nỗ lực chính sách và đầu tư, vì sự thịnh vượng chung của khu vực lẫn quốc gia để tạo ra một thế giới với mức phát thải ròng bằng 0, Climateworks Centre đề xuất 4 hướng đi cụ thể cho Cơ quan chuyển đổi Phát thải ròng bằng 0.
Thứ nhất, phối hợp hoạt động tài chính, nỗ lực của các doanh nghiệp, cộng đồng và các cơ quan chính phủ ở tất cả các cấp;
Thứ hai, tập trung cụm doanh nghiệp công nghiệp ở cùng một địa điểm, vận hành với 100% năng lượng tái tạo;
Thứ ba, mang lại nguồn tài trợ thông qua quan hệ đối tác đồng đầu tư giữa các cơ quan liên bang và chính quyền tiểu bang;
Thứ tư, tận dụng cơ hội cho lực lượng lao động và ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Climateworks Centre cũng đang tiến hành một số dự án nhằm giảm thiểu phát thải như lập mô hình các giải pháp khử carbon cho ngành giao thông dựa trên quá trình chuyển đổi xe điện, dự án Renovation Pathways hỗ trợ cải tạo các ngôi nhà hiện có ở Úc sang mô hình nhà ở đạt tiêu chuẩn phát thải bằng 0...
Phạm Lê