Sửa Luật Nhà ở: Nhiều kiến nghị liên quan nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

0
0

 - Nhiều đại biểu phân tích và nêu ý kiến đối với các điều khoản liên quan đến nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)…

ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) khi góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã phân tích sâu về Quy định về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Theo ĐB tỉnh Hải Dương, chế độ sở hữu là một chế định quan trọng của pháp luật về kinh tế và dân sự. Hiện nay tại Điều 53 Hiến pháp 2013 và Điều 197 Bộ luật Dân sự quy định các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước, đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Pháp luật hiện hành không quy định chế độ sở hữu nhà nước mà chỉ có sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên, ĐB cho biết, Dự thảo Luật Nhà ở trình Quốc hội lại quy định nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và được quy định tại mục 2 Chương I về sở hữu nhà ở và mục 2 Chương VIII về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

“Như vậy, về mặt khái niệm sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân, quy định của dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Hiến pháp cũng quy định rõ các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công. Vì vậy, đề nghị quy định rõ ràng hơn về vấn đề nhà ở hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài sản công.” – ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa
ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa

Bên cạnh đó, theo ĐB, Điều 15 dự thảo luật quy định về các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà ở để phục vụ tái định cư do nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua lại để bố trí tái định cư và nhà ở xã hội nhà nước đầu tư để cho thuê mua. Tuy nhiên, mặc dù do nhà nước đầu tư nhưng sau khi đã giao nhà cho người dân thuộc diện được bồi thường, bố trí tái định cư hoặc giao nhà cho người dân thuộc diện thuê mua sau khi đã hết thời hạn thuê thì sẽ thuộc quyền sở hữu của người được giao nhà.

“Trong trường hợp này, mặc dù vẫn là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư nhưng lại thuộc sở hữu của người dân. Vì vậy, đề nghị quy định rõ ràng nội dung này để áp dụng Luật Quản lý và sử dụng tài sản công hợp lý.” – ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nói.

Phân tích về nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư, TS Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, Điều 51 dự thảo luật đã quy định 8 nguyên tắc trong phát triển nhà ở tái định cư, ĐB đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc là việc bố trí nhà ở tái định cư bên cạnh việc bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì cần phải bảo đảm các yếu tố văn hóa truyền thống. Riêng đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cần phải bảo đảm các điều kiện phục vụ những phong tục sinh hoạt hằng ngày của đồng bào.

ĐB đề nghị, quy định này cũng cần thể hiện rõ tại Điều 55 về yêu cầu đối với nhà ở phục vụ tái định cư, đây là quy định cần thiết để khắc phục hạn chế về việc hiện nay nhiều dự án nhà ở tái định cư được xây dựng không đáp ứng yêu cầu của người dân, dẫn đến người dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí tài sản nhà nước hoặc tình trạng đồng bào đến khu nhà ở tái định cư một thời gian lại quay trở về nơi ở cũ có điều kiện sinh hoạt thấp hơn rất nhiều.

Cũng quan tâm đến nhà thuộc sở hữu nhà nước, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 3 Điều 17 Dự thảo luật chưa có nội dung quy định về quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành nhà ở đối với đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở.

“Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 3 Điều 17 như sau: "Chính phủ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý, vận hành nhà ở trong việc thực hiện quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở" - ĐB Dương Tấn Quân nêu ý kiến.

Về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại Điều 123,ĐB Dương Tấn Quân cho biết, do hiện nay chưa có quy định cụ thể điều chỉnh trong thực tiễn đối với trường hợp nhà ở cũ đã thu hồi, chưa được bố trí sử dụng, vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 123 như sau: Việc bán nhà ở cũ chỉ thực hiện khi không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng và phải thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở. Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở cũ từ sau ngày 19/1/2007 hoặc nhà ở cũ đã thu hồi chưa được bố trí sử dụng thì được thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý trong thực tiễn đối với các khu tập thể có nhiều chủ sở hữu không thuộc sở hữu nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 7 như sau: Đối với khu nhà ở tập thể có nhiều tầng, nhiều hộ ở, có nhiều quyền sở hữu nhà ở thì thực hiện theo pháp luật về nhà ở chung cư, cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư thuộc sở hữu nhà nước.

Cũng tại Điều 123, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 8 quy định đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước có diện tích nhỏ hẹp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

“Bổ sung quy định này cũng nhằm để đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý thực tế tại các địa phương đối với các nhà ở cũ thuộc sở hữu của Nhà nước có diện tích đất nhỏ hơn 25m2 theo hướng là hợp thửa đất với các thửa đất liền kề.” – ĐB tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị, đối với quyền đại diện của chủ sở hữu được quy định ở Điều 17, bổ sung theo hướng quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu công đoàn Việt Nam được áp dụng theo quy định đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định phá dỡ nhà ở đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ĐB Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) cho biết, Khoản 2 Điều 134 dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá vỡ đối với nhà chung cư và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đối với các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét nội dung này vì theo ĐB, quy định như vậy được hiểu là tất cả các trường hợp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đều do UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá dỡ. Tuy nhiên, Điều 16 dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành, cơ quan trung ương khác và UBND cấp tỉnh đồng thời tại điểm c khoản 1 Điều 17 dự thảo luật quy định đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có quyền phê duyệt kế hoạch bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, ĐB kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 134 của dự thảo luật theo hướng: UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá vỡ đối với nhà ở chung cư, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có quyền phê duyệt kế hoạch phá dỡ nhà ở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 luật này, ban hành quyết định phá dỡ đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do mình làm đại diện chủ sở hữu. Đối với các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Giá vàng thế giới tăng cao, vàng nhẫn vượt xa mốc 76 triệu đồng/lượng

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (4/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng cao. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng và vượt qua xa mốc 76 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

(VnMedia) - Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Đã có 8,8 triệu lượt khách quốc đến đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024

(VnMedia)- Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19...

Hà Nội nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số

(VnMedia) - Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi)…

Trưng bày trên 400 sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật - giả

(VnMedia) - Với chủ đề “Nhận diện Thực phẩm thật - giả”, phòng trưng bày Tổng cục QLTT trưng bày trên 400 sản phẩm, điểm nhấn chính là các loại lương thực, thực phẩm như gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure…