- Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh: Lĩnh vực tín dụng đặc biệt liên quan đến vai trò của ngân hàng.
Theo Đại biểu, trong những lần trả lời chất vấn, đặc biệt trong thảo luận kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn luôn nhắc tới một điều, đó là phải phòng được rủi ro. Đặc biệt, trong dự thảo luật rất nhiều nội dung thiết kế để bảo đảm phòng ngừa rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định về phòng ngừa rủi ro đã được quy định rất cụ thể ở Luật Tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước ban hành hàng loạt các thông tư, như Thông tư 41, Thông tư 13, Thông tư 22. Các thiết kế trong dự thảo luật lần này cũng đang hướng tới để phòng rủi ro cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cụ thể.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo các quy định những quy định bảo đảm đề phòng rủi ro cho toàn bộ hệ thống.
“Với sự kiện của ngân hàng SCB vừa qua, đặc biệt là với những ngân hàng trên thế giới như trường hợp của Mỹ, họ có hệ thống ngân hàng mạnh như vậy nhưng vẫn để xảy ra những ngân hàng đổ vỡ, tôi đề nghị phải thiết kế thêm những phần để phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố, sự việc thì hệ thống chúng ta có thể chống đỡ được ngay” - đại biểu nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho biết, theo số liệu, hiện nay chúng ta có khoảng 50 ngân hàng.
“Với một nền kinh tế như Việt Nam, chúng ta có thể đánh giá được rằng với số liệu này có quá nhiều số lượng ngân hàng hay không thì cũng cần phải có một sự rà soát cần thiết. Một nền kinh tế như của chúng ta thì có số lượng bao nhiêu là đủ? Chúng ta nói đến sở hữu chéo, đang nói đến nhiều vấn đề liên quan, thậm chí rủi ro cho hệ thống thì với 50 ngân hàng như vậy, có cả ngân hàng rất lớn, nhưng có những ngân hàng chưa đạt chuẩn. Tôi đề nghị chúng ta phải rà soát lại số lượng này, cần thiết phải thiết kế những điều trong luật để tạo thành giới hạn kỹ thuật” - đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.
ĐB Trịnh Xuân An |
Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang), đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tác động, phân tích, nhận diện và đánh giá kỹ thực trạng về hoạt động của hệ thống của các tổ chức tín dụng, về đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Cũng quan tâm đến an toàn của hệ thống ngân hàng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khi đóng góp ý kiến cho Luật Các tổ chức tín dụng cũng đề nghị đánh giá nguyên nhân sự cố rút tiền hàng loạt như thời gian qua để rút kinh nghiệm, đồng thời phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng tung tin thất thiệt để phá hoại hoạt động của ngân hàng, gây bất ổn cho xã hội.
Liên quan đến mức độ can thiệp của NHNN quy định tại khoản 9 Điều 38 về quyền, nghĩa vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, Dự thảo quy định "trong phạm vi quyền và nghĩa vụ được giao thì có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước".
Theo đại biểu Tạ Đình Thi (TP Hà Nội), Tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng theo các quy định của pháp luật. Theo đó, việc quy định không kèm theo điều kiện cụ thể như trên có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động bình thường.
Theo đại biểu, chức năng, nhiệm vụ quản lý của NHNN thì cụ thể và được tập trung việc chỉ đạo, điều hành đối với các tổ chức tín dụng. Với các trường hợp đặc biệt, có thể nhằm phục vụ cho các mục đích bảo đảm an toàn hệ thống, điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của NHNN và Chính phủ; hoặc liên quan đến hiệu quả hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó thì mới cần thiết có quy định NHNN chỉ đạo trực tiếp người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, quy định này cũng giới hạn chỉ bao gồm là Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, thay vì các quy định hiện nay thì chúng ta thêm các chức danh khác như Phó tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh và các người quản lý, điều hành.
Với nhưng phân tích ở trên, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị nội dung này nên được chỉnh lý như sau: Khi có phát sinh các sự kiện có nguy cơ mất an toàn hệ thống và ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức tín dụng cụ thể hoặc là nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống và điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô hoặc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của NHNN và Chính phủ thì thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của NHNN.