- Washington đã áp dụng cách tiếp cận thực tế hơn đối với New Delhi, tìm kiếm sự hợp tác mà không gây áp lực công khai lên cường quốc Nam Á.
Ấn Độ đang được Mỹ lôi kéo về mặt địa chính trị và địa kinh tế dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này không hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Thủ tướng Modi đã được mời thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới siêu cường số 1 thế giới. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã được tiếp đón hoành tráng tại nước Mỹ và được mời phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Đây là một vinh dự rất hiếm có.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang phát triển đều đặn. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ về hàng hóa và dịch vụ, quan hệ quốc phòng đã được mở rộng, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ cũng đang tăng lên đồng thời các mối quan hệ cá nhân tiếp tục gắn kết hai xã hội lại với nhau. Theo nhiều cách, mối quan hệ hợp tác rộng rãi giữa Ấn Độ với Mỹ không có sự tương đồng với bất kỳ quốc gia nào khác.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước này nắm quyền kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu và đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất thế giới. Ngoài ra, Mỹ còn thống trị các tổ chức tài chính toàn cầu, áp dụng luật của mình ngoài lãnh thổ, sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương làm vũ khí, sở hữu các công nghệ rất tiên tiến và là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Washington đã thay đổi chính sách của mình trong khu vực. Nếu như trước đây, Mỹ nghiêng nhiều về phía Pakistan thì giờ đây nước này đã thu hẹp phạm vi khác biệt rõ rệt trong mối quan hệ của họ với Ấn Độ và Pakistan. Thỏa thuận hạt nhân Ấn Độ-Mỹ năm 2005 đã giải phóng áp lực kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với các chương trình tên lửa và hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.
Tuy nhiên, không có điều gì đặc biệt đã xảy ra trong thời gian gần đây có thể giải thích cho quyết định đón tiếp nồng hậu ông Modi và tăng cường thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn. Trên thực tế, Ấn Độ đã bị Mỹ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại phương Tây tấn công không ngừng về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Các phương tiện truyền thông chính thống của Washington đã đưa ra một tường thuật rất tiêu cực về Ấn Độ trong những vấn đề này, với các báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao đều có những chỉ trích nghiêm khắc đối với Ấn Độ liên quan đến vấn đề đàn áp người thiểu số, các biện pháp hạn chế đối với quyền tự do báo chí, v.v.
Bất chấp sự phản đối của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn bảo lưu quyền nêu những vấn đề như vậy với New Delhi với tư cách là “bạn bè”, đồng thời thừa nhận những thiếu sót của chính họ. Phía New Delhi đặt ra câu hỏi là tại sao, nếu Mỹ thừa nhận rằng nền dân chủ của chính họ có những thiếu sót, họ lại không nỗ lực loại bỏ những thiếu sót đó trước rồi sau đó mới chỉ tay vào Ấn Độ? Chấp nhận những sai sót của chính họ đang được sử dụng như một mánh khóe ngoại giao để đưa vấn đề nhân quyền vào chương trình nghị sự với Ấn Độ nhằm thỏa mãn cái gọi là các phần tử cấp tiến trong Đảng Dân chủ.
Chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng đã quyết định bỏ qua các câu chuyện tiêu cực nói trên đối với Ấn Độ và ưu tiên các lợi ích địa chính trị và địa kinh tế lớn hơn của nước này. Ông Biden thực sự đã ca ngợi nền dân chủ của Ấn Độ trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Modi và tuyên bố rằng nền dân chủ là một phần DNA của cả hai quốc gia. Điều này rất đáng chú ý nhưng không có khả năng giúp chấm dứt các cuộc công kích nhằm vào Ấn Độ của giới chức chính trị cũng như các tổ chức hoạt động của Mỹ. Dòng chảy ngầm khó chịu này trong quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ tiếp tục diễn ra do sự chia rẽ trong hệ thống chính trị Mỹ.
Mỹ từng rất nhiều lần gây áp lực với Ấn Độ trong các vấn đề như quan hệ với Nga, cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, Washington đã phải lui bước trước việc New Delhi theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, kiên quyết không từ bỏ mối quan hệ tốt đẹp với Moscow. Và giờ đây, Mỹ lựa chọn việc theo đuổi lợi ích trong quan hệ với Ấn Độ và không công khai gây áp lực với quốc gia Nam Á này.