- Hai nước vùng Baltic - Latvia và Litva mới đây đã lên tiếng đã kêu gọi NATO tăng cường củng cố an ninh biên giới phía đông của họ để đối phó với dự đoán cho rằng công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga sẽ thiết lập một căn cứ mới ở Belarus sau cuộc binh biến thất bại ở quê nhà.
Thủ lĩnh của lực lượng quân sự Wagner - ông Yevgeny Prigozhin đã đến Belarus vào ngày 27/6 theo một thỏa thuận được đàm phán thông qua vai trò trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhằm chấm dứt cuộc binh biến của lính đánh thuê ở Nga vào hồi cuối tuần vừa rồi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các chiến binh của Wagner sẽ được lựa chọn hoặc gia nhập vào quân đội chính quy của Nga, hoặc chọn rời ngũ hay chuyển đến Belarus.
"Động thái đó cần được đánh giá từ một quan điểm an ninh khác. Chúng tôi đã chứng kiến khả năng của lực lượng lính đánh thuê đó", Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics đã bày tỏ như vậy với các phóng viên trong chuyến thăm thủ đô Paris, Pháp, với những người đồng cấp Baltic khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cho biết tốc độ mà lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã tiến tới thủ đô Moscow - lái hàng trăm km trong cuộc hành quân kéo dài một ngày tới thủ đô - cho thấy cần phải tăng cường phòng thủ cho các quốc gia vùng Baltic.
Ngoại trưởng Landsbergis cho biết: “Biên giới của các quốc gia chúng ta chỉ cách hoạt động đó vài trăm km nên có thể chỉ mất 8-10 giờ để lực lượng này đột ngột xuất hiện ở đâu đó ở Belarus gần Litva”. "Thực tế này đang tạo ra một môi trường bất ổn và khó lường hơn cho khu vực của chúng ta."
“Chúng ta cần phải hết sức coi trọng việc bảo vệ khu vực Baltic”, ông Landsbergis nhấn mạnh.
Chuyến thăm Pháp của các phái viên vùng Baltic diễn ra trong bối cảnh các cường quốc phương Tây chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới tại thủ đô Vilnius của Litva.
Theo Ngoại trưởng Latvia Rinkevics, sự xuất hiện của lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga ở đất nước Belarus nên được xem xét "trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh NATO và tất cả các cuộc thảo luận mà chúng ta đang có về phòng thủ, răn đe và các quyết định cần thiết để tăng cường an ninh cho sườn phía đông" của khối NATO.
Belarus có biên giới giáp với các quốc gia thành viên NATO gồm Latvia, Litva và Ba Lan.
Trước đó, hồi đầu tuần, Đức cho biết họ đã sẵn sàng đồn trú lâu dài một lữ đoàn gồm 4.000 quân ở Litva. Ngoại trưởng Landsbergis đã nói với người đồng cấp Pháp rằng Paris có thể giúp đỡ về hệ thống phòng không.
“Pháp có thể là một đối tác có giá trị trong việc tăng cường khả năng phòng không của các nước vùng Baltic. Chúng tôi biết về công nghệ của Pháp và nó có thể được sử dụng như một phần trong chiến lược răn đe của chúng tôi để không có lực lượng Wagner nào cũng như không có quân đội Nga nào nghĩ đến việc vượt qua biên giới của các quốc gia vùng Baltic", Ngoại trưởng Landsbergis nhấn mạnh.
Lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã gây rúng động khi hồi cuối tuần vừa rồi bất ngờ thực hiện một cuộc binh biến nhằm lật đổ giới chức quân sự Nga. Thủ lĩnh của lực lượng Wagner đã tuyên bố đưa quân tiến về thủ đô Moscow – thành trì quyền lực của nước Nga. Chính quyền của Tổng thống Putin đã tập trung khoảng 10.000 quân để chuẩn bị đẩy lùi cuộc hành quân của công ty quân sự tư nhân Wagner. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 27/6 cho biết ông cũng sẵn sàng gửi lực lượng của mình tới Nga để đối phó với lực lượng Wagner.
Theo lời ông Lukashenko, Nga sẽ thắng thế trong cuộc đối đầu với những kẻ nổi loạn, nhưng nó có thể dẫn đến cái chết của "hàng nghìn" người, vì vậy ưu tiên là một giải pháp hòa bình. Ông nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cập nhật tình hình "kỹ lưỡng" cho ông, khiến nhà lãnh đạo Belarus đề nghị giúp đỡ với tư cách là người hòa giải. Và kết quả là Tổng thống Belarus đã thực hiện thành công vai trò trung gian hòa giản, dẫn đến một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc binh biến ở Nga, tránh được một cuộc đổ máu huynh đệ tương tàn thảm khốc.