Ngày 10/6, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy đợt đầu tiên năm 2023 cho các thí sinh muốn sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển đại học.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày 10/6, 17/6 và 8/7 tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Đợt đầu tiên và đợt thi thứ 3 có gần 8.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. An ninh, an toàn, phòng chống gian lận phòng thi được thắt chặt.
Anh Nguyễn Quang Xuân ở Bắc Ninh và con trai đã có mặt từ sớm tại điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Xuân cho hay con trai học Trường THPT Nguyễn Văn Cừ của Bắc Ninh, con muốn tham gia thi đánh giá tư duy để tăng cơ hội vào học ở ngôi trường yêu thích. Thế mạnh của con anh Xuân là học các môn khoa học tự nhiên.
Trong khi đó một nhóm 8 học sinh của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội đã cùng nhau tham gia thi đánh giá tư duy sáng nay tại Đại học Bách khoa với mong muốn được vào học ngành Công nghệ thông tin của trường.
Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) những năm trước bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính tại các phòng máy của cơ sở tổ chức thi.
Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: Chọn phương án đúng; Chọn câu trả lời đúng hoặc sai; Điền đáp án; Kéo/thả đáp án. Bài thi ĐGTD đã được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút). Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.
PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thí sinh thi trực tuyến trên máy tính, giám thị sẽ sử dụng phần mềm giám sát thi trong suốt thời gian thí sinh đăng nhập vào phần mềm thi và làm bài thi.
Các giám thị Kỳ thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội tại 9 cụm thi đều được tập huấn kỹ các tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý; tập huấn kiểm soát các vật dụng được phép mang vào phòng thi; phòng ngừa việc thí sinh cố tình gian lận, chụp ảnh đề thi.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức các đợt thi thử nghiệm (ngày 25/2, 2/4, 13/5 và 21/5) và đợt thi online ngày 9/4/, chuẩn hóa quy trình tổ chức thi, đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật theo đúng quy định.
Để phục vụ tốt nhất cho kỳ thi tổ chức hôm nay và 2 đợt tiếp theo, Nhà trường đã phối hợp với các cơ sở tổ chức thi chuẩn bị rất kỹ về cơ sở vật chất, như: Rà soát số lượng máy tính, phòng máy tính, cấu hình theo yêu cầu; Đảm bảo về đường truyền internet; Cài đặt phần mềm thi, phần mềm giám sát thi; Chuẩn bị các thiết bị kiểm tra Căn cước công dân, rà soát an ninh; Các phòng thi đảm bảo có máy tính dự phòng; Những phòng thi chưa có vách ngăn sẽ bố trí giãn cách.
Sử dụng công nghệ mới trong nhận diện, xác minh thông tin thí sinh (Ảnh: Tiền phong) |
Trong trường hợp thí sinh mắc COVID-19, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện theo những hướng dẫn của Bộ Y tế hiện tại.
Tại các điểm thi, Đại học Bách khoa Hà Nội bố trí cán bộ y tế trực trong suốt thời gian thí sinh tham gia thi. Chính vì vậy những thí sinh có vấn đề về sức khỏe sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy trình.
Được biết, đến cuối tháng 5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Đánh giá tư duy là 10.211 (với 19.225 lượt thi). Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và 32 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước (xem danh sách 32 trường, học viện sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy).
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có thời gian 3 năm cùng đối tác công nghệ là Tập đoàn FPT nghiên cứu phát triển giải pháp. Hệ thống ứng dụng các công nghệ Big data, AI, Cloud hỗ trợ xây dựng đề thi theo lý thuyết khảo thí hiện đại - mô hình IRT 2 tham số, đồng thời cho phép số hoá toàn trình từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, thử nghiệm câu hỏi, đến công tác đăng ký, thanh toán trực tuyến, xếp lịch, phối hợp với các cơ sở khảo thí độc lập để tổ chức thi theo một quy trình khép kín.
Bên cạnh đó, giải pháp xác thực dữ liệu thẻ CCCD gắn Chip kết nối dữ liệu Bộ Công An – FPT.IDCheck được tích hợp trong việc xác thực thông tin thí sinh với độ chính xác 100%. Mô hình này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí trong việc tổ chức thi và tham gia thi, tạo trải nghiệm tích cực và đặc biệt có tính phân loại, đánh giá một cách toàn diện.
Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/gan-8000-thi-sinh-tham-gia-thi-danh-gia-tu-duy-dot-dau-tien-nam-2023-post1541697.tpo