ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu EVN tiếp tục lỗ do yếu tố chủ quan thì người đứng đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên có văn hóa từ chức.
Cần thanh tra khoản lỗ 26 nghìn tỷ của EVN
Bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, gây bức xúc cho người dân, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa |
"Hà Nội mấy ngày nay nắng nóng cao điểm mà bị cắt điện thì người dân rất khổ”, đại biểu Hòa chia sẻ, đồng thời đặt câu hỏi: "Tại sao tình trạng thiếu điện kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được?"
Theo ông Hòa, vấn đề này, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Bộ Công Thương và của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Phía doanh nghiệp điện cho biết, các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xây dựng nhà máy nhiệt điện vẫn đang chờ Ủy ban Quản lý vốn phê duyệt dự án. Nếu Ủy ban Quản lý vốn chậm trễ trong phê duyệt thì phải có trách nhiệm trong tình hình thiếu điện hiện nay", ông Hòa nhìn nhận.
Theo ông Hòa, trước mắt, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chưa hòa mạng thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần nhanh chóng làm việc cụ thể với các doanh nghiệp điện để giải quyết vấn đề. Vừa rồi Cục trưởng Điều tiết điện lực đã xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và vị này cũng đã có đề ra nhiệm vụ, giải pháp.
Nói về khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng EVN vừa báo cáo, đại biểu Hòa cho rằng, nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn.
"Tiếp tục lỗ nữa thì người đứng đầu EVN nên có văn hóa từ chức để cho người khác điều hành EVN tốt hơn. Không thể năm nào nhà nước cũng bù đắp cho EVN được. Tiền bù đắp đó là của người dân", ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, có sự vào cuộc của thanh tra, kiểm toán thì sẽ phơi bày ra ánh sáng nguyên nhân lỗ 26 nghìn tỷ đồng mà EVN vừa báo cáo.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của EVN
Trước đó, đại biểu Quốc hội Quốc hội Lê Thanh Vân cũng đề nghị Chính phủ thanh tra đặc biệt EVN. Sau đó, Tập đoàn EVN đã có văn bản trả lời những thắc mắc của vị đại biểu này.
Văn bản của EVN giải thích số tiền mà các công ty con gửi ngân hàng được dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo hợp đồng đã ký kết, để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Quốc hội Lê Thanh Vân |
Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
"Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện", EVN giải thích.
Bên hành lang Quốc hội, ông Lê Thanh Vân cho biết, phần phản hồi của EVN về những thắc mắc của ông tại nghị trường còn rất sơ sài. Ông đã có văn bản gửi đến Tập đoàn này đề nghị cung cấp thêm các thông tin, tài liệu về tài chính để có cơ sở đánh giá, nghiên cứu.
Trong đó, ông yêu cầu cung cấp các tài liệu như báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2022 và kiểm toán độc lập; chi tiết các tài khoản về chi phí tài chính, sản xuất, kinh doanh điện, chi tiết cơ sở tính giá thành sản xuất điện, cung cấp sao kê tài khoản của EVN.
(BGT)
https://www.baogiaothong.vn/dbqh-neu-khoan-lo-do-chu-quan-thi-nguoi-dung-dau-evn-nen-tu-chuc-d593846.html