- ĐBQH đề nghị đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng; người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm…
Phát biểu thảo luận tại Nghị trường Quốc hội, ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính trong trường học.
“Những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên không phải là câu chuyện mới, nhưng các vụ việc trẻ vị thành niên mang thai và sinh con gây xôn xao dư luận gần đây khiến chúng ta phải đặt câu hỏi liệu giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được chúng ta quan tâm hay chưa?” – ĐB Đinh Thị Ngọc Dung đặt vấn đề.
Theo ĐB Dung, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề sức khỏe mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì nội dung giáo dục giới tính cũng được đưa vào các môn học chính thức bắt buộc lồng ghép trong chương trình môn học tự nhiên xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Ở bậc THCS nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp 8.
ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) |
Tuy nhiên, theo ĐB, nội dung giảng dạy vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để được bảo vệ bản thân mình.
Bên cạnh đó, việc chia nhỏ và đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào những môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể.
“Ví dụ như khi tiếp cận bài học giáo dục giới tính thì học sinh sẽ lĩnh hội và trả lời được các câu hỏi như quan hệ tình dục là hành vi như thế nào, quan hệ tình dục an toàn bằng cách nào, tôi có nên quan hệ tình dục hay không, khả năng mang thai ra sao và muốn phòng tránh như thế nào? Tuy nhiên, cách tiếp cận này thì vẫn còn chung chung và mờ nhạt, thậm chí là bị né tránh.” – ĐB Đinh Thị Ngọc Dung nhận xét.
ĐB đề nghị, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung chương trình giáo dục giới tính, dù là chính khóa, ngoại khóa hay là lồng ghép thì điều quan trọng là phải xây dựng thế nào cho đầy đủ. Bởi nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính nói qua thì không hiệu quả, thậm chí giáo dục không đến nơi, đến chốn sẽ gây tò mò.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc, xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học, ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích cụ thể, rõ ràng những thắc mắc của học sinh. Có như vậy, giáo dục giới tính mới hiệu quả cao nhất.” – ĐB Đinh Thị Ngọc Dung nêu ý kiến.