Đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho dự án giao thông kết nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận

0
0

 - Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Đầu tư đường kết nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận
Đầu tư đường kết nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - ảnh minh họa

Sáng ngày 20/6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Tuyến đường dài khoảng 56,9 km, tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/giờ. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40 km/giờ; quy mô 2 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1.930 tỉ đồng, theo hình thức đầu tư công. Trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỉ đồng

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 128,96 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 75,58 ha, bao gồm đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27,07 ha; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88 ha; và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63 ha.

Dự kiến thời gian triển khai dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027. Cũng theo nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Về một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đối với quy định về trồng rừng thay thế, có ý kiến đề nghị tỉnh Khánh Hòa phải đánh giá kỹ tác động môi trường, hệ sinh thái và việc trồng rừng thay thế phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa phải trồng rừng thay thế đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo thời gian và không tăng kinh phí. UBTVQH tiếp thu ý kiến trên và đã bổ sung nội dung này vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng; độ tin cậy của những đánh giá tác động về hiện trạng rừng đối với môi trường sinh thái; nhấn mạnh tính chất quan trọng của công tác bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là phương án trồng rừng thay thế. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện nội hàm của nội dung trên vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có ý kiến cho rằng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 102 tỷ đồng có khả năng không đủ bồi thường cho 211 hộ bị ảnh hưởng. Về ý kiến này, UBTVQH thấy rằng, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã nêu rõ số hộ dân bị ảnh hưởng là 211 hộ, tuy nhiên chỉ có 11 hộ bị ảnh hưởng đến cấu trúc nhà phải di dời, các hộ còn lại chủ yếu là bị thu hẹp diện tích đất sản xuất, đất rừng với chi phí bồi thường không lớn. Đồng thời, qua xem xét hồ sơ Dự án cho thấy việc xây dựng dự toán theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đã bao gồm cả chi phí dự phòng.

Hơn nữa, việc tái định cư phân tán, dự kiến sử dụng hạ tầng các khu tái định cư hiện có của địa phương hoặc các quỹ đất do nhà nước quản lý, không xây dựng khu tái định cư riêng cho Dự án. Mặt khác, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết về thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đã có cam kết bố trí phần tăng thêm khi có phát sinh. Do vậy, nguồn vốn bố trí đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án là khả thi và đảm bảo khả năng cân đối được.

Đối với đề nghị công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân; cần phải có khảo sát, đánh giá, kiểm kê kỹ tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng, nhất là việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện nội dung trên vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Về hướng tuyến của Dự án, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về hướng tuyến để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; nên chọn hướng tuyến làm hầm xuyên núi để hạn chế đèo dốc, hạn chế mất rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng Chính phủ đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn hướng tuyến trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về lâm nghiệp.

Theo đó, hướng tuyến được Chính phủ lựa chọn đã tuân thủ quy định về điểm khống chế, hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất rừng. So với hướng tuyến có làm hầm xuyên núi, tuy có giảm được 10,3 km chiều dài đường, nhưng phương án làm hầm lại tăng kinh phí lên 3,73 lần và chỉ giảm được 8,58 ha rừng. Đồng thời, việc làm hầm xuyên núi theo tính toán cũng không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật do địa hình dốc, chênh lệch 02 cửa hầm là rất lớn, chi phí vận hành hầm hằng năm cao không đáp ứng được tiêu chí hiệu quả kinh tế của Dự án.

Thời gian và tiến độ thực hiện Dự án, có ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027 là khá dài, nên điều chỉnh thời gian bắt đầu năm 2023, cố gắng hoàn thành trong năm 2025 cho phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.

UBTVQH thấy rằng, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo trình tự, thủ tục nhóm A thì việc rút ngắn thời gian thực hiện Dự án là phù hợp. Tuy nhiên, tiến độ Dự án còn phụ thuộc vào việc bố trí nguồn vốn, phân kỳ đầu tư nguồn lực 808 tỷ đồng để thực hiện Dự án được bố trí ở giai đoạn 2026-2030.

Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, xin Quốc hội cho phép quy định tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 hết năm 2027 để phù hợp với phân kỳ bố trí vốn và thời gian bố trí vốn cho dự án theo quy định pháp luật về đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo, đôn đốc để rút ngắn tiến độ Dự án; nếu cân đối, huy động được nguồn lực thì Dự án sẽ hoàn thành sớm hơn.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, có ý kiến ĐBQH còn băn khoăn với tính khả thi về khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương và đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí đủ nguồn lực để thực hiện Dự án. Cũng có ý kiến đề nghị bố trí toàn bộ ngân sách trung ương cho Dự án.

UBTVQH thấy rằng, Dự án là tuyến đường có tính chất kết nối liên vùng, có vị trí quan trọng về quân sự, quốc phòng, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Vì vậy, Quốc hội đã ưu tiên dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để triển khai Dự án. Phần còn lại được bố trí từ ngân sách địa phương (930 tỷ đồng).

Việc bố trí như vậy vừa đảm bảo được khả năng huy động và bố trí ngân sách của địa phương cho Dự án, giảm áp lực đối với nguồn ngân sách trung ương vừa đảm bảo hài hòa và công bằng đối với các địa phương khác. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung trách nhiệm của Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương.

Đối với cơ chế đặc thù cho Dự án, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc Quốc hội ủy quyền UBTVQH quyết định vấn đề phát sinh của Dự án trong thời gian Quốc hội không họp vì chưa được quy định trong Luật Đầu tư công. Nếu có ủy quyền thì chỉ nên ủy quyền cho UBTVQH quyết định điều chỉnh đối với tiêu chí để dự án trở thành dự án quan trọng quốc gia.

UBTVQH thấy rằng, Dự án này có quy mô nhỏ, công trình cấp III, tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại thi công qua khu vực địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù Quốc hội ủy quyền UBTVQH quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp sẽ tạo thuận lợi cho việc giải quyết những phát sinh nếu có.

Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, do pháp luật về đầu tư công chưa quy định cụ thể về việc ủy quyền nên cần thiết phải được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý khi triển khai thực hiện. Nội dung quy định về cơ chế đặc thù được thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.